Siết biên độ đang gây "đóng băng" lợi nhuận đem lại từ hoạt động tự doanh và mức doanh thu môi giới của các CTCK.

Ngày 25/3/2008, UBCK NN đã có quyết định bất ngờ về việc thu hẹp biên độ dao động tại HoSE và HaSTC xuống còn 1% và 2%, với mong muốn khơi lại niềm tin của các nhà đầu tư, ngăn chặn đà giảm giá của VN-Index và HaSTC-Index.

Mặt khác, muốn tạo ra một khoảng thời gian cần thiết đủ để các chính sách có thời gian "thẩm thấu" và phát huy tác dụng. Trước thời điểm quyết định này có hiệu lực, VN-Index đã lùi về mức dưới 500 điểm. Tuy nhiên chưa có công văn nào nói về thời hạn sẽ chấm dứt biên độ giao động "tạm thời"này.

Nhìn lại lịch sử thay đổi biên độ dao động giá, ta thấy việc UBCK NN quyết định giảm biên độ giao động giá lần này giống như đợt điều chỉnh biên độ dao động giá chứng khoán ngày 15/10/2001.

Khi đó giá cổ phiếu đã rớt đều 7%/phiên, nhà đầu tư hoảng loạn và rút ra khỏi thị trường khi TTCK giảm giá liên tục trong 1 tuần. Khi đó Nhà nước đưa ra giải pháp giảm biên độ dao động giá từ 7% xuống 2%. Thị trường liên tục tăng 19 phiên giao dịch liên tiếp lên sát mốc 300 điểm (28/11/2001) trước khi tụt giảm trở lại.

Khó hấp dẫn nhà đầu tư

Như vậy trên cả hai sàn, mức giá của gần như tất cả các mã đều tăng mạnh trong cả 3 phiên ngay sau khi áp dụng biên độ dao động giá mới. Hầu hết các mã chứng khoán đều tăng kịch trần. Dư mua tăng mạnh và lượng bán ra rất hạn chế.

Tuy nhiên giá trị giao dịch lại thấp, trên sàn HoSE ngày 27/3 giá trị giao dịch chỉ đạt 324,768 tỷ đồng, trên sàn HaSTC giá trị giao dịch đạt 29,12 tỷ đồng. Ngày 28/3/2008 giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt 224,486 tỷ đồng, giá trị giao dịch trên sàn HaSTC đạt 24,3 tỷ đồng.

Liệu chứng khoán có tiếp tục tăng trong những ngày tiếp theo và việc giảm biên độ dao động có phải là giải pháp hữu hiệu cho TTCK Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Việc giảm biên độ dao động giá ảnh hưởng tới tính thanh khoản của thị trường, vốn là chức năng của thị trường thứ cấp.

Với biên độ 1% và 2%, TTCK sẽ không còn chứng kiến những đợt tăng hoặc giảm mạnh mẽ, do vậy sẽ khó có khả năng hấp dẫn nhà đầu tư. Với mức lạm pháp cao, lãi suất ngân hàng hấp dẫn với mức trên 10%/năm, đầu tư chứng khoán với đặc tính tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay thì rất có thể nhà đầu tư sẽ tìm kiếm sang kênh đầu tư khác hiệu quả hơn.

Công ty chứng khoán cũng khó khăn theo

Biên độ giới hạn ở mức +1%, +2% trong khi phí môi giới cả chiều mua và bán là 0,4 - 0,5% cộng với các khoản chi phí khác liên quan dường như là một trong những nguyên nhân triệt tiêu động lực giao dịch của nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư thực hiện những giao dịch kiểu "lướt sóng T+1".

Để giữ chân khách hàng, nhiều Cty chứng khoán đã phải giảm phí giao dịch môi giới: ABCS giảm phí môi giới xuống còn 0,2% từ ngày 27/3/2008, TAS giảm phí xuống 0,2% từ ngày 28/3/2008 tới ngày 12/5/2008, BVSC giảm tới 50% biểu phí đang áp dụng... Các Cty chứng khoán mới thành lập, để cạnh tranh vẫn phải giữ nguyên mức phí khuyến mãi từ lúc thành lập từ 0,15 tới 2% và có thể kéo dài thời gian khuyến mãi.

Với số lượng các giao dịch thành công khiêm tốn do lượng bán ra ít, chính sách của Nhà nước giãn IPO, với sự "đóng băng" về lợi nhuận đem lại từ hoạt động tự doanh và mức doanh thu môi giới như vậy, liệu rằng các Cty chứng khoán, đặc biệt là các Cty mới thành lập, những Cty nhỏ, nguồn thu chủ yếu trông chờ vào hoạt động môi giới có thể trụ vững được bao lâu nếu tình hình thị trường vẫn cứ tiếp diễn như vậy?

Nhà đầu tư dài hạn xem ra có vẻ an tâm hơn hơn khi mức giảm giá hàng ngày không còn là 5-10%. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo là họ sẽ mua vào nhiều hơn, họ sẽ mua vào một cách thong thả và kiên nhẫn hơn.

Sự can thiệp của việc điều chỉnh biên độ về bản chất là một tác nhân bóp méo thị trường, tách rời yếu tố cung cầu của thị trường khiến cho các dự báo, các phân tích, thống kê thị trường, đặc biệt là nhóm phân tích kỹ thuất vốn dĩ đã khó khăn khi áp dụng trên TTCK Việt Nam giờ dường như trở thành vô tác dụng. UNBCK NN đã khẳng định sẽ sớm bãi bỏ việc điều chỉnh biên độ khi thị trường ổn định trở lại.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là khi nào UNBCK NN sẽ điều chỉnh lại biên độ dao động giá chứng khoán và khi điều chỉnh liệu giá chứng khoán có tái hiện tình trạng sụt giảm liên tục như những ngày trước đó hay không trong bối cảnh nền kinh tế lạm phát cao, mức nhập siêu tăng mạnh, giá vàng, giá dầu có nhiều biến động, chính sách thắt chặt tiền tệ đang được áp dụng như hiện nay.

Nguồn gốc tạo ra giá trị của cổ phiếu không thể hiện bằng các con số trên bảng giao dịch điện tử hàng ngày mà xuất phát từ chính giá trị, từ kết quả kinh doanh của bản thân DN. Như vậy, chỉ bằng biện pháp tác động vào biên độ giao dịch trong điều kiện giá trị DN không thay đổi thì điều gì sẽ xảy ra khi mở lại biên độ như cũ?

(Theo DDDN)