Trong số 10.000 tỉ đồng cho vay cầm cố cổ phiếu, tỉ trọng cổ phiếu niêm yết chiếm bao nhiêu?

Khi nào các ngân hàng sẽ lại bán giải chấp cổ phiếu để thu hồi nợ ?

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa gửi công văn kêu gọi các thành viên thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán (thị trường chứng khoán), theo đó các ngân hàng thành viên chưa nên giải chấp các hợp đồng cầm cố (và repo) chứng khoán.

Động thái đó phần nào mang lại niềm tin cho nhà đầu tư, vì vậy mấy ngày qua lượng cổ phiếu bán ra rất hạn chế, trong khi nhu cầu mua tăng mạnh, làm cho giá cổ phiếu trên cả hai sàn tăng kịch trần.

Cổ phiếu niêm yết cầm cố chiếm tỉ trọng thấp?

Mặc dù trong các phiên giao dịch, số cổ phiếu dư bán bằng không nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chưa hết sợ bởi mối lo “cơn lũ” cổ phiếu giải chấp có thể tràn ra bất cứ lúc nào. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho các ngân hàng thương mại vay tái chiết khấu với lãi suất 9%/năm nếu ngân hàng thương mại thiếu thanh khoản tạm thời mà không thể đi vay ở các kênh khác.

Điều đó có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng cho các ngân hàng thương mại vay tiền để bù vào khoản vốn mà nhà đầu tư cầm cố cổ phiếu vay tiền của ngân hàng thương mại mà chưa có khả năng trả nợ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có ngân hàng thương mại nào lên tiếng làm thủ tục xin vay tái chiết khấu về vấn đề này.

Theo VNBA, hiện lượng tiền các ngân hàng thương mại cho vay cầm cố cổ phiếu chỉ còn vào khoảng 10.000 tỉ đồng. Số vốn này rất nhỏ (chỉ chiếm khoảng 0,5% - 0,7%) so với tổng tài sản hiện có của hệ thống ngân hàng thương mại trên cả nước, vì vậy nếu có bị khoanh nợ tạm thời thì nó cũng ảnh hưởng rất nhỏ đến vấn đề kinh doanh của ngân hàng.

Vấn đề bí ẩn ở đây là trong số nợ đó thì cho vay cầm cố cổ phiếu niêm yết trên sàn chiếm bao nhiêu, cổ phiếu chưa niêm yết (OTC) chiếm bao nhiêu? Qua thăm dò ở một số công ty chứng khoán và ngân hàng cho thấy, trong số tiền nợ đó khoản cho vay cầm cố cổ phiếu OTC chiếm một phần rất lớn.

Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Công ty Chứng khoán Ngân hàng NN-PTNT tại TPHCM, cho biết số dư nợ cho vay cầm cố cổ phiếu niêm yết tại đơn vị này chỉ chiếm khoảng 20%, còn 80% là cổ phiếu OTC.

Nếu ở các đơn vị khác cũng có cơ cấu nợ cầm cố cổ phiếu tương tự thì có nghĩa là nợ trên sàn chỉ vào khoảng 2.000 tỉ đồng. Như vậy số nợ đó không nhiều nên mối lo về các “cơn lũ” cổ phiếu trên sàn sẽ không lớn lắm.

Nếu bán giải chấp nên có lộ trình

Nguyên nhân chính việc giá cổ phiếu bị dìm xuống mức quá sâu hiện nay là hiện tượng bán tháo cổ phiếu cầm cố để trả nợ ngân hàng. Hiện tại, vì lợi ích toàn thị trường nên các ngân hàng thương mại đồng loạt ngưng bán giải chấp, vì vậy giá cổ phiếu tăng. Động thái này diễn ra là nhờ sự tự nguyện của các ngân hàng thương mại nên không biết nó sẽ kéo dài được bao lâu.

Đó cũng là điều bí ẩn đáng lo đối với các nhà đầu tư. Khi chỉ số VN-Index tăng lên một mức nào đó, nếu các ngân hàng thương mại đồng loạt xả hàng ra thì thị trường chứng khoán lại có nguy cơ tràn ngập cổ phiếu. Vì ai cũng tranh nhau bán để thu hồi vốn nên có thể lúc đó thị trường chứng khoán lại suy giảm tiếp.

Để ngăn chặn tình trạng tranh nhau tháo chạy, nên chăng các ngân hàng thương mại cùng nhau ký cam kết thỏa thuận, theo đó, khi cần giải chấp, mỗi tuần chỉ bán khoảng bao nhiêu phần trăm trong tổng số cổ phiếu cầm cố cần bán.

Nếu có lộ trình như vậy, thị trường chứng khoán sẽ không bị “lũ” đột xuất. Khi tín hiệu về lạm phát được khống chế, nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, niềm tin trong cộng đồng nhà đầu tư được phục hồi mạnh mẽ thì việc bán giải chấp lượng cổ phiếu cầm cố theo lộ trình sẽ tạo thuận lợi hơn cho thị trường.

(Theo NLD)