Trong bối cảnh thị trường cổ phiếu đi xuống và vốn vay ngân hàng khó khăn hơn, một số doanh nghiệp đã tính đến việc phát hành trái phiếu.

Do thị trường cổ phiếu suy thoái, việc phát hành cổ phiếu khó khăn hơn, trong khi các ngân hàng thương mại siết chặt cho vay, nên việc tìm kiếm nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp trở nên rất khó khăn.

Trong bối cảnh như vậy, một số doanh nghiệp đã tính đến việc phát hành trái phiếu. Phải chăng thời của trái phiếu doanh nghiệp đã đến?

Số lượng doanh nghiệp lựa chọn hình thức huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu đã tăng nhanh trong thời gian gần đây. Nếu năm 2005, chỉ có 2 doanh nghiệp phát hành, với tổng số vốn là 1.600 tỷ đồng; năm 2006 có 6 doanh nghiệp thực hiện 15 đợt phát hành trái phiếu, với tổng giá trị 11.000 tỷ đồng; thì năm 2007 có 12 doanh nghiệp phát hành trái phiếu, với 17 đợt phát hành và tổng trị giá trên 20.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, đã có một số doanh nghiệp lựa chọn giải pháp phát hành trái phiếu. Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) đã thực hiện 2 đợt phát hành trái phiếu vào tháng 1 và tháng 3, với tổng mệnh giá cả 2 đợt là 850 tỷ đồng.

Trong khi đó, trong tháng 4 này, Công ty cổ phần Vincom cũng tiến hành một đợt phát hành trái phiếu quy mô lớn, với tổng mệnh giá lên tới 2.000 - 2.600 tỷ đồng...

Theo ông Phạm Văn Thành, Phó phòng Kinh doanh thuộc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ở các quốc gia có thị trường tài chính phát triển, trái phiếu là loại hàng hoá được quan tâm cao và giao dịch rất sôi động.

Khi trái phiếu được giao dịch dễ dàng thì các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể tận dụng lãi suất cao của trái phiếu cho các khoản vốn nhàn rỗi ngắn hạn.

Chẳng hạn, một nhà đầu tư có một khoản vốn ngắn hạn trong vòng 1 tháng. Nhà đầu tư này có thể mua trái phiếu và sau 1 tháng bán đi để thu tiền về. Việc này sẽ có lợi hơn cho nhà đầu tư, bởi lãi suất trái phiếu thường cao hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm gửi ngân hàng.

Theo một số nhà chuyên môn, về mặt thủ tục thì việc phát hành trái phiếu nhanh và thuận lợi hơn so với vay vốn ngân hàng hay phát hành cổ phiếu. Hơn nữa, việc phát hành trái phiếu cũng dễ huy động vốn, do hầu hết các nhà đầu tư mua trái phiếu là các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp.

Ở Việt Nam, đã có những quỹ đầu tư được thành lập ra với mục đích đầu tư phần lớn vào trái phiếu, như Quỹ đầu tư VF2 do Công ty Quản lý quỹ VFM quản lý. Ở các nước có thị trường tài chính phát triển, các quỹ đầu tư dạng này rất phổ biến và chính các quỹ đầu tư đó tạo sự mua bán sôi động cho thị trường trái phiếu.

Ông Charly Madan, Tổng giám đốc Citigroup cho biết, thị trường trái phiếu Việt Nam còn rất non trẻ, hàng hóa chủ yếu là trái phiếu của Chính phủ và trái phiếu của một số doanh nghiệp nhà nước.

Tuy vậy, ông Charly Madan cho rằng, với thực tế nhu cầu về vốn rất lớn của doanh nghiệp hiện nay thì các doanh nghiệp chắc chắn phải tính đến phương án vốn thông qua trái phiếu.

Do đó, trong tương lai, thị trường trái phiếu sẽ là thị trường công cụ nợ phát triển để đáp ứng nhu cầu nguồn vốn và đa dạng hình thức vốn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Hạn chế lớn nhất hiện nay là việc nhiều doanh nghiệp chưa tạo được uy tín và độ tin cậy tốt trong giới đầu tư, nên trái phiếu doanh nghiệp vẫn được xem là có độ rủi ro cao.

Trong khi đó, hoạt động định mức tín nhiệm lại chưa phát triển ở Việt Nam, nên cơ sở để định giá trái phiếu cũng chưa đầy đủ, không có căn cứ để xác định được mặt bằng lãi suất cho trái phiếu.

Ngoài ra, các tổ chức trung gian tài chính chưa đầu tư nhiều cho việc tạo lập thị trường giao dịch cho trái phiếu, làm hạn chế sức hấp dẫn của trái phiếu doanh nghiệp.

(Theo DauTu)