Ngày 23/5, chứng khoán thế giới giảm điểm ngày giao dịch cuối tuần khép lại một tuần gây thất vọng và đáng để quên.

Chứng khoán châu Á: Tuần giảm điểm

Chứng khoán châu Á tiếp tục có ngày giao dịch tràn ngập màu đỏ trên các bảng điện tử và khép lại một tuần gây thất vọng khi tất cả các chỉ số chính đều đóng cửa thấp hơn tuần trước.

Chứng khoán Nhật phiên giao dịch này tiếp tục tăng điểm do cổ phiếu của các nhà xuất khẩu lớn như Kyocera, Konica Minolta Holdings, Toyota… và cổ phiếu các hãng dược phẩm tăng mạnh.

Trong khi đó, giới phân tích nhận định rằng, tác động từ sự khởi sắc của thị trường Mỹ và giá dầu hạ nhiệt đã góp phần giúp chứng khoán Nhật đi lên.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 33,74 điểm, tương đương 0,24%, đóng cửa ở mức 14.012,20, như vậy chỉ số này đã giảm 1,45% so với tuần trước.

Chuyển qua thị trường Hồng Kông, cũng giống như phiên giao dịch trước đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục đi xuống và kết thúc một tuần giao dịch không khả quan. Phiên giao dịch cuối tuần, các mã chứng khoán thuộc nhóm blue chip tụt giảm và kéo chỉ số Hang Seng giảm 1,31%, đóng cửa ngày giao dịch thấp hơn 3,53% so với tuần trước.

Liên quan đến Singapore, Chính phủ nước này vừa công bố số liệu về tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2008. Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 0,5% so với dự báo trước đó của Chính phủ nước này. Trong đó, lĩnh vực thương mại của quốc đảo này tăng 14,6%, sản xuất công nghiệp tăng 12,4%, xây dựng tăng 14,7%, dịch vụ tài chính tăng 13,4 so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, trong tháng tư vừa qua, lạm phát của Singapore đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái và Chính phủ nước này đã tăng dự báo lạm phát từ 4,5 -5,5% lên 5 -6% trong năm nay.

Trong khi đó, phiên giao dịch cuối tuần chỉ số Straits Times của Singapore giảm 1,22%, thấp hơn 3,68% so với tuần trước.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này tiếp tục giảm 1,92%, thấp hơn 3,94% so với tuần trước. Chỉ số KOSPI Composite của Hàn Quốc giảm 0,41%, giảm 3,22% so với tuần trước.

Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc phiên giao dịch cuối tuần tiếp tục đi xuống, kết thúc ngày giao dịch, chỉ số này giảm 0,36%.

Trong tuần này chứng khoán Trung Quốc có tới bốn phiên giảm điểm do lo ngại trận động đất sẽ có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong khi giá dầu tiếp tục tăng cao đang là trở ngại đối với nền kinh tế lớn thứ hai Châu Á này.

Với một phiên duy nhất tăng điểm trong tuần, chỉ số Shanghai Composite giảm 4,17% so với tuần trước, đây được cho là kết quả không quá tệ nếu biết rằng trong tuần, hàng loạt những dự báo của các chuyên gia kinh tế đã đưa ra nêu lên những khó khăn đang chờ đón Trung Quốc ở phía trước, nhất là tình hình lạm phát.

Chứng khoán châu Âu: Tuần đáng để quên

Thông tin từ Italia cho hay, tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý 1/2008 đạt 0,4%, cao hơn 0,2% so với dự báo trước đó của các chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn nhiều so với nền kinh tế đầu tàu của châu Âu là Đức với mức tăng trong quý 1/2008 đạt 1,5%.

Chứng khoán châu Âu phiên giao dịch hôm thứ sáu đã bất ngờ tụt giảm hơn 1,5% ở cả ba chỉ số chính. Nguyên nhân khiến thị trường châu Âu giảm mạnh trong phiên này là do cổ phiếu khối khai mỏ như Rio Tinto, BHP Billiton giảm trên 4%.

Trong bối cảnh giá dầu ngày một leo thang, chi phí nhiên liệu ngày càng đắt đỏ khiến nhiều hãng hàng không đã phải cắt giảm các chuyến bay và thực hiện các biện pháp nhằm tiết kiệm chi phí. Điều này đã làm cổ phiếu của nhiều hãng hàng không tụt giảm mạnh, góp phần đẩy chứng khoán châu Âu tràn ngập màu đỏ và đóng cửa thấp hơn tuần trước.

Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của Anh phiên này giảm 94,30 điểm, tương đương -1,53%, đóng cửa ở mức 6.087,30, giảm 3,4% so với tuần trước. Thị trường Anh sẽ nghỉ giao dịch vào hôm thứ hai ngày 26/5 nhân ngày lễ.

Chỉ số DAX của Đức giảm 1,79% và thấp hơn 2,96% so với tuần trước. Chỉ số CAC 40 của Pháp phiên này giảm 1,89%, giảm 2,84% so với tuần trước.

Chứng khoán Mỹ: Chìm sâu trong tuần

Giá dầu thô giao tháng sáu tại New York Mercantile Exchange trong phiên giao dịch cuối tuần có lúc đã tăng lên 134 USD/thùng trước khi đóng cửa ở mức 132,19 USD/thùng.

Tác động của giá dầu tăng khiến cổ phiếu của nhiều tập đoàn tụt giảm lên đến hơn 15%, hàng nghìn tỷ USD đã bốc hơi trong đúng một tuần. Cổ phiếu giảm không chỉ với những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến dầu và các sản phẩm từ dầu mà còn tác động gián tiếp tới các lĩnh vực khác như tài chính, phần mềm… Minh chứng cho điều đó, cổ phiếu của Microsoft giảm 7%, cổ phiếu của JP Morgan giảm 9% trong tuần.

Trong khi đó, giá dầu, nguyên vật liệu tăng khiến sự kỳ vọng vào cổ phiếu của những công ty sử dụng nhiều đến nó tụt dốc, đồng thời đưa không ít tập đoàn vào tình thế khó khăn khiến họ phải có những phản ứng quyết liệt:

Cổ phiếu của hãng sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ, General Motors đã giảm 15% trong tuần qua và đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng 26 năm qua. Hãng này cũng đã tuyên bố giá dầu leo thang buộc họ phải hạ triển vọng lợi nhuận trong năm nay và cũng đang tính tới phương án cắt giảm sản xuất giống như thông báo của nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai nước Mỹ từng đưa ra trước đó.

Cùng chung khó khăn với “anh cả”, nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai nước Mỹ, Ford thông báo sẽ cắt giảm sản xuất do doanh số tiêu thụ không cao trong khi giá nhiên liệu, nguyên vật liệu đầu vào ngày một tăng cao. Giá cổ phiếu của hãng Ford (F) đã giảm 15,29% trong tuần này.

Đối với các hãng hàng không lớn của Mỹ như Continental (CAL), Delta (DAL), UAL Corp (UAUA), và US Airways (LCC), cổ phiếu của họ đã giảm hơn 25% trong tuần này. Những khó khăn khi giá nhiên liệu máy bay tăng 47% so với đầu năm khiến nhiều hãng đã cắt giảm nhiều chuyến bay, thu thêm phí, giảm số việc làm… nhưng khó khăn vẫn là khó khăn và nhiều hãng đang tính đến phương án sẽ sáp nhập để sinh tồn.

Giá dầu trong tuần có lúc đã tăng trên 135 USD/thùng đang tác động xấu đến nền kinh tế Mỹ và tất nhiên cũng làm thay đổi các chỉ số chứng khoán Mỹ. Hàn thử biểu của kinh tế Mỹ đã tụt giảm hơn 3% và là tuần giảm điểm tồi tệ nhất kể từ hơn một tháng nay.

Kết thúc ngày giao dịch, cả ba chỉ số chính đều tụt giảm mạnh khép lại một tuần đáng để quên.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 145,99 điểm, tương đương -1,16%, đóng cửa ở mức 12.479,63, giảm 3,91% so với tuần trước và thấp hơn 5,92% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số Nasdaq phiên này giảm 19,91 điểm, tương ứng -0,81%, kết thúc ngày giao dịch ở mức 2.444,67, thấp hơn 3,33% so với tuần trước và giảm 7,83% so với cùng kỳ năm trước.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 giảm 18,42 điểm, tương đương -1,32%, đóng cửa ở mức 1.375,93, giảm 3,47% so với tuần trước và thấp hơn 6,29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một vài số liệu thống kê:

* Chỉ số giá bán của nhà sản xuất (PPI) ở Mỹ tăng 0,2% trong tháng tư;

* Chỉ số giá bán của nhà sản xuất (PPI) ở Mỹ (bao gồm cả giá lương thực – thực phẩm và năng lượng) tăng 0,4% trong tháng tư;

* Giá dầu đã liên tục ghi kỷ lục mới trong tuần và lên đỉnh vào ngày 22/5, thiết lập ở mức giá 135,09 USD/thùng;

* Giá vàng tính đến ngày 23/6 đã giảm 7,82% so với phiên đóng cửa ở mức cao nhất 1004,3 USD/oz được thiết lập vào ngày 18/3;

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước

Đóng cửa

Tăng / giảm (điểm)

Tăng / giảm (%)

Mỹ

Dow Jones

12.625,62

12.479,63

-145,99

-1,16

Nasdaq

2.464,58

2.444,67

-19,91

-0,81

S&P 500

1.394,35

1.375,93

-18,42

-1,32

Anh

FTSE 100

6.181,60

6.087,30

-94,30

-1,53

Đức

DAX

7.070,33

6.944,05

-126,28

-1,79

Pháp

CAC 40

5.028,74

4.933,77

-94,97

-1,89

Đài Loan

Taiwan Weighted

9.008,03

8.834,73

-173,30

-1,92

Nhật

Nikkei 225

13.978,46

14.012,20

+33,74

+0,24

Hồng Kông

Hang Seng

25.043,12

24.714,07

-329,05

-1,31

Hàn Quốc

KOSPI Composite

1.835,42

1.827,94

-7,48

-0,41

Singapore

Straits Times

3.160,86

3.122,15

-38,71

-1,22

Trung Quốc

Shanghai Composite

3.485,63

3.473,09

-12,54

-0,36

Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg


(Theo TBKTVN)