Giá nhiều loại cổ phiếu (CP) trên thị trường niêm yết đang mất giá trên 50%. Hàng loạt nhà đầu tư (NĐT) cầm cố chứng khoán thời điểm trước đây đang trắng tay sau khi giải chấp.

Một NĐT tên Toàn tại TP.HCM cho biết, cuối năm 2007, hàng loạt các thông tin dự báo rằng VN-Index sẽ phá ngưỡng 1.000 điểm, thị trường có dấu hiệu nóng lên sau một thời gian lình xình kéo dài, anh quyết định mang 2.000 CP HDC (Công ty cổ phần phát triển nhà Bà Rịa-Vũng Tàu) tới ngân hàng cầm cố lấy 100 triệu đồng. Giá thị trường CP HDC thời điểm đó khoảng 140.000 đồng/CP nhưng ngân hàng chỉ cho vay tương đương 1/3 giá thị trường mà thôi. Số tiền này được anh tiếp tục đầu tư 1.000 CP STB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín) với giá 78.000 đồng/CP và chờ thời cơ. Thế nhưng ngay sau đó, thị trường sụt giảm kéo dài. Thời điểm giải chấp đã đến trong khi giá CP HDC hiện nay chỉ còn khoảng 45.000 đồng/CP, STB còn khoảng trên 30.000 đồng/CP. Nếu bán 2.000 CP HDC tại thời điểm này chỉ được 90 triệu đồng, phải “bù” thêm 10 triệu đồng nữa mới đủ 100 triệu để giải chấp CP cầm cố. Cuối cùng, anh Toàn chọn cách “bỏ của chạy lấy người”, để ngân hàng tùy ý xử lý số CP cầm cố. “Đã mất gần 300 triệu đồng mua CP HDC thời điểm đó lại mất thêm gần 50 triệu đồng do đầu tư sang CP STB. Tôi trắng tay” - anh Toàn đau khổ nói. Tình cảnh của anh Toàn cũng là tình cảnh chung của rất nhiều NĐT khác đã cầm cố chứng khoán để lấy tiền tiếp tục đổ vào thị trường này vào thời điểm trước. Đến nay, khi giá chứng khoán đã giảm trung bình tới trên 50%, nhiều người đã phải chọn cách “bỏ của chạy lấy người” như anh Toàn.

Trong thời gian vừa qua, việc các ngân hàng xử lý bằng cách bán ra chứng khoán cầm cố chính là một trong những nguyên nhân khiến thị trường bị ảnh hưởng trầm trọng. Dù các ngân hàng đã rất thận trọng khi nhận cầm cố chứng khoán bằng cách định giá trung bình chỉ bằng 1/3 giá thị trường của chứng khoán nhưng việc thị trường giảm quá mạnh, quá sâu hiện nay đã nằm ngoài khả năng dự đoán, dự báo của ngân hàng cũng như hầu hết NĐT. Vì vậy không chỉ NĐT mà cả các ngân hàng cũng bị thiệt hại khi xử lý chứng khoán cầm cố hiện nay. Một chuyên gia chứng khoán (không muốn nêu tên) phân tích, do quá thiếu tiền mặt nên dù muốn hay không, các ngân hàng cũng phải giải chấp chứng khoán để thu hồi vốn và họ cũng phải chấp nhận lỗ. Chuyên gia này dẫn chứng trường hợp CP PET. Cách đây nửa năm, giá CP này khoảng trên 60.000 đồng/CP, ngân hàng cho vay bằng 1/3 giá trị thị trường, tương đương với 20.000 đồng/CP. Vậy mà giá CP PET vào phiên giao dịch cuối cùng trước lễ 30.4 chỉ còn 19.000 đồng/CP. Với không ít loại CP giảm giá tới 70%-80%, các ngân hàng còn lỗ nặng hơn.

Thị trường chứng khoán sụt giảm quá mạnh, quá bất ngờ nên hầu hết các đối tượng tham gia thị trường đều trở thành nạn nhân. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng vẫn tiếp tục giải chấp CP cầm cố với số lượng lớn như vừa qua thì thị trường sẽ tiếp tục giảm và họ cũng là người phải lãnh hậu quả từ việc này.

(Theo ThanhNien)