Tại đại hội cổ đông mới đây của một số doanh nghiệp, tình hình xem ra có vẻ căng thẳng, khi mà thị trường chứng khoán và nhà đất đều xuống giá.

Vì thế, các kế hoạch đầu tư, huy động vốn đầu tư trở nên khó khăn, vì các nhà đầu tư không mặn mà.

Huy động vốn không dễ!

Câu chuyện tại đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Dệt May Thành Công, khiến các nhà đầu tư phải nghĩ ngợi. Thành Công vốn là một doanh nghiệp (DN) hàng đầu ngành dệt may, có thị trường xuất khẩu ổn định, chủ động một phần nguyên liệu, khi DN này đầu tư khép kín từ khâu kéo sợi đến dệt, nhuộm và hoàn tất vải dệt kim làm nguyên liệu cho sản phẩm may xuất khẩu.

Tuy nhiên, lợi nhuận việc bán và xuất khẩu các sản phẩm may mặc không mấy hấp dẫn các nhà đầu tư, vì tỷ suất lợi nhuận của ngành này không cao. Người ta quan tâm và có lúc đổ xô vào săn tìm cổ phiếu Thành Công, chính là vì Thành Công đang sở hữu một số khu đất khá lớn trong nội thành TP.HCM.

Vào kỳ đại hội cổ động năm trước, các cổ đông đã hớn hở đồng ý với kế hoạch thành lập Công ty cổ phần Chứng khoán Thành Công và đầu tư vào thị trường bất động sản. Tuy nhiên, sau gần một năm, Công ty cổ phần Chứng khoán Thành Công có giấy phép thành lập, hình thành xong bộ máy và đầu tư vào hệ thống giao dịch, nhưng chưa thể khai trương.

Nguyên nhân, do thị trường chứng khoán đang xuống dốc, nếu khai trương sàn giao dịch thì không thể tìm được khách hàng, chi phí sẽ tăng lên rất lớn và với tính thanh khoản thấp, khả năng tự doanh để sinh lợi cũng rất thấp.

Còn xây dựng và kinh doanh căn hộ, đến nay thị trường này đang đóng băng nên tính hấp dẫn cũng không cao. Vì thế, trong đại hội cổ đông vừa qua, Thành Công đã công bố phương án huy động vốn bằng việc phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu DN chuyển đổi mệnh giá 100.000 đồng và có lãi suất 12%/năm, để lấy vốn đầu tư bất động sản. Thế nhưng, kế hoạch này đã bị các cổ đông không đồng ý.

Tình trạng các nhà đầu tư không hào hứng với các kế hoạch huy động vốn bằng hình thức phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu DN là một thực tế. Theo một số nhà đầu tư, trong khi tính thanh khoản của thị trường quá xấu thì việc phát hành thêm lúc này sẽ làm giá trị cổ phiếu bị pha loãng, gây thiệt hại tới quyền lợi của các cổ đông hiện hữu.

Chính vì thế vào thời điểm này, tại nhiều công ty, nhiều cổ đông cũng không tán đồng việc trả cổ tức bằng cổ phiếu mà họ đòi hỏi trả cổ tức bằng tiền để tối đa hóa lợi nhuận họ có được. Hậu quả là nhiều DN không thể huy động vốn cho các dự án đầu tư mới, kể cả đầu tư phát triển những ngành chính thống mà DN đang đeo đuổi.

Đầu tư “đa ngành” theo phong trào: lỗ nặng!

Trường hợp của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE chỉ là một điển hình. Cáo bạch của REE cho thấy, trong quý 1-2008, doanh số của REE đạt 275,26 tỷ đồng và đã lỗ 106 tỷ đồng, kể cả sau khi đã đưa quỹ dự phòng 160,68 tỷ đồng vào xử lý các danh mục chứng khoán giảm. REE cho biết, trong danh mục đầu tư tài chính cho đến 31-3-2008, tổng vốn đầu tư là 1.377 tỷ đồng, thị giá vốn là 1.714 tỷ đồng và như thế chênh lệch dương 341 tỷ đồng.

Mặc dù REE tuyên bố sắp tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản và tài chính, với việc xây dựng cao ốc số 9 Đoàn Văn Bơ có diện tích 30.000m2, hoàn thành cao ốc Bà Hom (quận 6) có diện tích 4.207m2, triển khai các dự án khu công nghiệp, cao ốc văn phòng phức hợp; đầu tư vào ngành ngân hàng, hạ tầng, điện nước, viễn thông, vận tải, thủy sản... nhưng các nhà đầu tư đã tỏ vẻ “sợ” hướng đầu tư đa ngành. Bằng chứng là ngay lập tức giá cổ phiếu của REE trên thị trường tụt dốc khá mạnh, hiện nay chỉ còn 49.000 đồng/cổ phiếu.

Từ đỉnh cao, REE dễ dàng tăng vốn và thay vì đầu tư nâng cấp các sản phẩm chính để đứng vững trên hai chân thì lại tập trung mạnh sang lĩnh vực tài chính và bất động sản. Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư đang ôm cổ phiếu này tỏ ra buồn bã, vì giá cổ phiếu của REE đã tụt xuống và đang nằm trong chiều hướng giảm.

Không chỉ có REE, thực tế vừa qua nhiều DN do huy động vốn dễ dàng, đã thực hiện tăng vốn điều lệ hoặc phát hành thêm cổ phiếu rồi đem số thặng dư vốn có được chuyển sang đầu tư tài chính và bất động sản. Tuy vậy, do thị trường chứng khoán và bất động sản suy giảm thì đến nay các DN này đều gặp khó khăn, đặc biệt là đầu tư tài chính phần nhiều đều bị lỗ nặng.

Trong danh mục đầu tư tài chính, nhiều DN đã đầu tư vốn vào cổ phiếu các ngân hàng, đến nay giá cổ phiếu ngân hàng xuống thấp gần với mệnh giá, nhiều loại cổ phiếu xuống bằng mệnh giá mà tính thanh khoản không có nên phần lớn các DN này đều bị thiệt hại nghiêm trọng.

Một nhà đầu tư trên sàn lo ngại, đó là chưa kể mảng đầu tư bất động sản chưa bộc lộ hết khó khăn, vì hiện nay giá mới giảm chút ít và thị trường đang đóng băng. Chỉ một thời gian nữa, nếu thị trường không phục hồi, nhiều nhà đầu tư phải bán đổ bán tháo để trả nợ ngân hàng và bản thân ngân hàng phải giải chấp thì thiệt hại sẽ lớn biết chừng nào. DN tiếp tục lỗ lã, nhà đầu tư vừa mất tiền vừa không có cổ tức, đó là viễn cảnh nhãn tiền đối với các DN đầu tư trái ngành.

(Theo SGGP)