Theo một số chuyên gia pháp luật, hành vi "ôm" 17,7 tỉ đồng "đánh" cổ phiếu của ông Phạm Như Hóa, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Mía Đường La Ngà có dấu hiệu của tội phạm hình sự.

Không có chuyện "chỉ sai nguyên tắc"

Theo luật sư Nguyễn Văn Tẩu, Trưởng văn phòng luật sư Thành Ý thì hơn ai hết, chính Chủ tịch HĐQT Phạm Như Hóa phải hiểu và buộc phải hiểu rất rõ trách nhiệm, quyền hạn của mình trong việc quản lý, sử dụng tài sản của công ty (51% vốn của Nhà nước) nhưng ông Hóa lại dám đem 17,7 tỉ đồng của công ty tự quyết (ông Hóa là chủ tài khoản của Công ty Cổ phần Mía Đường La Ngà) để mua cổ phiếu gây thiệt hại về mặt vật chất là tài sản Nhà nước và của công dân; về mặt tinh thần là uy tín của cơ quan Nhà nước.

Tôi cho rằng việc làm trên của ông Hóa đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 281 Bộ luật Hình sự (BLHS) chứ không dừng lại ở chỗ “đây là việc làm sai nguyên tắc” như ý kiến của một số thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Mía Đường La Ngà.

Cũng cần lưu ý là để thực hiện trót lọt việc đem hơn 17,7 tỉ đồng của công ty để đi mua cổ phiếu là việc làm không dễ chút nào. Bởi việc quản lý tài chính của Công ty Mía Đường La Ngà luôn phải tuân thủ chặt chẽ về trình tự, thủ tục hạch toán tài chính theo pháp luật. Do đó, điều tất yếu kế toán trưởng phải biết rõ và đồng thuận với việc làm này.

Do vậy, hành vi này cũng có thể cấu thành tội “Tham ô tài sản” được quy định tại Điều 278 BLHS nếu trong quá trình điều tra xác định rõ được nguyên nhân, động cơ, mục đích cũng như cách thức tiến hành chứng minh được việc chiếm đoạt 17,7 tỉ đồng được bàn bạc và thực hiện như thế nào…

"Nhỏ - to" cũng phải hỏi HĐQT

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn - Trưởng văn phòng luật sư Quốc Tuấn: Hiện nay, một số doanh nghiệp Nhà nước đã tiến hành cổ phần hóa để phù hợp với nền kinh tế thị trường nên tùy ngành nghề, quy mô doanh nghiệp… vốn sở hữu Nhà nước sẽ chiếm một tỉ lệ nhất định trong doanh nghiệp cổ phần.

Việc sử dụng nguồn vốn này để sản xuất, kinh doanh được Nhà nước giao phó cho người đại diện hợp pháp thường là Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng giám đốc (người đứng đầu pháp nhân) và người đại diện phải chịu trách nhiệm trước mọi quyết định của mình đối với Nhà nước. Mọi hoạt động kinh doanh có sử dụng vốn của công ty cổ phần đặc biệt có vốn Nhà nước thì buộc phải thông qua HĐQT dù đó là đầu tư ngắn hạn hay dài hạn.

Hành vi sử dụng vốn doanh nghiệp để đầu tư chứng khoán không thông qua HĐQT (đầu tư cá nhân) của ông Phạm Như Hóa có thể cấu thành tội tham ô tài sản hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc tội cố ý làm trái. Cụ thể, hành vi này cấu thành tội phạm nào trong nhóm tội tham nhũng cơ quan điều tra cần sớm vào cuộc để điều tra làm rõ.

Trong vụ việc này có 2 trường hợp cần phải đặt ra: Thứ nhất, ông Hóa sử dụng 17,7 tỉ đồng trái nguyên tắc để đầu tư chứng khoán và phát sinh lợi nhuận nhưng không báo cho HĐQT, không nhập lợi nhuận này về quỹ công ty mà bỏ túi riêng hoặc khai báo lợi nhuận thấp hơn tổng lợi nhuận phát sinh thì vấn đề này cần phải được điều tra làm rõ.

Trường hợp thứ hai, không phát sinh lợi nhuận (lỗ - thực tế là đã lỗ hơn 6 tỉ đồng) thì ai phải gánh chịu khoản lỗ này? Chắc chắn Công ty Cổ phần Mía Đường La Ngà không chịu trách nhiệm về khoản lỗ này mà ông Phạm Như Hóa phải chịu trách nhiệm vì việc sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp của ông Hóa vi phạm pháp luật.

"Mượn đầu heo nấu cháo"!

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Minh Thuận - Văn phòng luật sư Lê Quang Y, việc ông Phạm Như Hóa, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Mía Đường La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) dùng 17,7 tỉ đồng của công ty để chơi chứng khoán và bị thua lỗ rõ ràng là một việc làm vi phạm pháp luật. Sai phạm của ông Hóa đến đâu và trách nhiệm như thế nào sẽ được cơ quan chức năng sớm làm rõ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi thì hành vi của ông Hóa có dấu hiệu của hành vi “Sử dụng trái phép tài sản” được quy định tại Điều 142 BLHS 1999.

Theo tinh thần của điều luật này, việc sử dụng trái phép tài sản là hành vi của một người vì vụ lợi đã khai thác một cách trái phép giá trị sử dụng của tài sản do họ đang chiếm giữ. Có thể thấy đặc trưng của tội danh này là người phạm tội chỉ có ý định khai thác tài sản mà không có ý định chiếm đoạt tài sản đó. Nói theo dân gian là “mượn đầu heo nấu cháo”!

Quy định của điều luật trên khá “sát” với trường hợp của ông Phạm Như Hóa. Đối với tội danh này, ngoài tài sản bị sử dụng trái phép thì hành vi sử dụng trái phép ấy phải gây ra hậu quả nghiêm trọng mới cấu thành tội phạm. Theo quy định thì gây thiệt hại từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng được xem là gây hậu quả nghiêm trọng.

Cũng có ý kiến cho rằng ông Hóa có hành vi “tham ô tài sản” theo Điều 278 BLHS. Sở dĩ ông Hóa có dấu hiệu của tội danh này vì tinh thần chung của điều luật này quy định hành vi tham ô là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.

Tuy nhiên, tôi hơi băn khoăn về tội danh này vì về mặt chủ quan, ông Hóa chỉ muốn “mượn đỡ” số tiền trên để kiếm lời, chứ chưa có chứng cứ gì chứng minh ông có ý định và có hành vi chiếm đoạt tài sản của Công ty Mía Đường La Ngà. Tất nhiên, trong trường hợp có chứng cứ cho thấy ông Hóa chiếm đoạt số tiền trên thì cơ quan chức năng có thể xem xét lại tội danh đối với ông Hóa.

(Theo VietnamNet)