Ngày này qua tháng khác quay quắt với nhịp đập thị trường, có ai tự hỏi, nếu một ngày không còn chứng khoán?

Mới chỉ cách đây chưa đầy một thập kỷ, chứng khoán “khép nép” bước vào ngôi nhà Việt như một nàng dâu Tây học bước vào bậc cửa quá cao của một gia đình nệ cổ.

Thế nhưng, bằng sự “mới mẻ” của mình, nàng dâu đã nhanh chóng trở thành chủ thể điều khiển hỷ nộ ái ố của hàng trăm ngàn thành viên trong gia đình Index.

Ngày này qua tháng khác quay quắt với nhịp đập thị trường, có ai tự hỏi, nếu một ngày “nàng dâu” ấy dứt áo ra đi?

Trong một truyện ngắn nổi tiếng của mình, cụ Nam Cao có những cắt nghĩa rất hay về những cái hay, cái đẹp bình dị của đời mà bấy lâu nay vì một lý do nào đó ta bỗng bỏ quên: “…Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh. Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy, hắn thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn... Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy... Chao ôi là buồn!”.

Trích dẫn điều này cũng chẳng có ý tứ gì sâu xa hay mạo phạm. Thế nhưng, chắc hẳn đã có thời, các nhà đầu tư chứng khoán bây giờ mơ ước những chuyện giản dị hơn, dài hạn, gian khó nhưng cũng đỡ đau tim hơn.

Và rồi thị trường đã tạo ra một lớp người ăn ngủ cùng chứng khoán. Trong thần thoại Hy Lạp có vị thần tình yêu Eros, chuyên đi rình những kẻ yêu nhau để bắn vào tim họ những mũi tên tình ý.

Trên sàn chứng khoán, những mũi tên hai màu xanh - đỏ (chẳng biết của ông thần nào!?) cũng để lại bao dư vị ngọt ngào và cay đắng cho những kẻ đã trót đa mang mối tình chứng khoán. Hôm rồi, có nghe một nhà đầu tư nửa đùa, nửa thật rằng, chẳng hiểu tại sao người xưa lại cho thần Eros “khoả thân”.

Liệu có phải tình yêu nào (trong đó có tình yêu chứng khoán) cũng đều mất “tình phí” tốn kém, thua thiệt đến độ phải “ăn đói mặc rách” hay không?

Nhưng sẽ ra sao nếu một ngày không còn chứng khoán...

...Thì bầu trời vẫn xanh và cao vời vợi, chim chóc vẫn hát reo vui và thiên nhiên thì vẫn đầy căng nhựa sống. Hơn 300.000 nhà đầu tư chắc cũng chẳng đến nỗi vì không còn bảng điện tử mà mất đi niềm vui sống.

Biết đâu, trong số này lại có cả chục ngàn người đang “nếu”, nếu ngày trước ta chẳng từng “yêu một nàng chứng khoán” thì bây giờ chắc hẳn đã nhẹ lòng hơn.

Đã có câu chuyện tiếu lâm rằng, khi cậu học trò kể chuyện bố mẹ cậu ta là người đầu tư chứng khoán thì cả lớp học cười ồ cả lên. Và cô giáo phải nghiêm mặt: “Các em không được kỳ thị những người nghèo khổ”.

Ở Việt Nam, có tiền để “chơi” chứng khoán thì đã được mặc nhiên coi là khá giả (vậy nên mới có thắc mắc rằng, Nhà nước phải “cứu” dân nghèo chứ đem tiền đi “cứu” chứng khoán làm gì!?). Nhưng bây giờ, ở những chốn đông vui, có lẽ cũng đã ít đi những người vỗ ngực tự hào “tôi là nhà đầu tư chứng khoán”.

Nếu một ngày không còn chứng khoán…

…Thì đương nhiên sẽ chẳng còn các công ty chứng khoán hay các nhà quản lý thị trường. Họ sẽ buồn một chút nhưng chắc rằng, sẽ chẳng có mấy ai thất nghiệp và khó khăn.

Biết đâu lại có khối người thở phào như vừa được trút đi một gánh nặng. Hôm trước, có anh bạn đồng nghiệp chuyên theo dõi khối cơ quan điều hành thị trường phân ưu: Nghĩ cũng khổ cho mấy vị quan chức ngành chứng khoán!

Thị trường lên, nhiều người đã giãy nảy lên mà kêu rằng, “nóng quá, nóng quá”; thị trường xuống thì cũng khốn khổ vì những lời ỉ eo, kêu cứu… Chứng khoán đất Việt ta chưa từng trải qua giai đoạn “giậm chân tại chỗ”, nhưng sau này, nếu có lúc trên bảng điện tử phủ độc một màu vàng thì hẳn cũng sẽ không thiếu người đánh tiếng, “các ông, bà quản lý đang ở đâu mà để thị trường ‘lãnh cảm’ thế này?”…

Nếu không còn chứng khoán, hẳn các bác ấy cũng đỡ rát mặt, rát tai!Thế nhưng, dù có bao nhiêu lý do để “kỳ thị”, vẫn thấy rằng, nếu không có chứng khoán, sẽ có nhiều người buồn biết bao.

Chắc chắn chứng khoán không phải là trò cờ bạc, đỏ đen, nhưng những cảm xúc mà nó mang lại cũng thật nhiều. Đã có bao nhiêu người “nghiện” làm việc không phải do thiếu tiền, mà chỉ bởi công việc đem lại cho họ những cảm xúc nhiều hơn khi rỗi rãi.

Có câu chuyện rằng, tại cuộc họp ĐHCĐ, lãnh đạo một doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin đã phải đứng lên “rối rít” xin lỗi một bác cổ đông già, trong tay chỉ có vài trăm cổ phiếu vì thái độ “thiếu tôn trọng” khi bố trí chuyện nước uống trong cuộc họp có sự “phân biệt chủ - khách”.

Nếu không còn chứng khoán, những nhà đầu tư nhỏ lẻ, trong tay chỉ có vài đồng tiền còm, liệu có thể chất vấn, phê bình, góp ý… những ông chủ có trong tay cả trăm tỷ, ngàn tỷ đồng hay không?

Mới chỉ vài năm góp mặt, chứng khoán đã ăn vào máu thịt của vài trăm ngàn con dân đất Việt. Mà thói thường, cái gì đã là máu thịt thì đâu dễ rời bỏ một sớm một chiều. Cũng như tình yêu đôi lứa hay cuộc sống vợ chồng, bát đũa còn có khi xô lệch nữa là mối lương duyên với chứng khoán của bao con người giàu sang, nghèo hèn có cả.

Chẳng nói đâu xa, đã có ai trong chúng ta mà không từng một lần dọa một nửa của mình: “Đừng có mà mặt nặng mày nhẹ, có muốn tôi bỏ đi luôn không hả?”… Khi cơm không lành, canh không ngọt thì cũng có kẻ ra đi thật, nhưng phần đông đều chọn phép “cơm sôi nhỏ lửa” để giữ yên ấm cửa nhà.

Đã sắp đến mấy ngày nghỉ ngơi, tách ra ngoài công việc, tạm quên đi bảng điện tử và những cảm xúc âm tính. Ngỡ nhẹ lòng nhưng lại thấy mơ hồ buồn như anh Chí đã quen với cuộc sống có chất men cay và giật mình với câu hỏi, nếu một mai không còn chứng khoán!!! Viết nhân tuần nghỉ lễ.

(Theo DTCK)