Một năm sau khi VN-Index đạt ngưỡng cao nhất 1.173 điểm hồi tháng 3.3007, ngày 25.3.2008, VN-Index chỉ còn 497,25 điểm. Dù VN-Index ngày 29.4 ở mức cao hơn với 522,36 điểm nhưng với các nhà đầu tư (NĐT), diễn biến của thị trường đang là một nỗi thất vọng lớn. Theo các chuyên gia, việc thị trường sụt giảm như hiện nay là tất yếu.

Bài học xương máu

Theo tính toán của các tác giả từ Tổ chức Global Financial Data, vào những năm 1990, thời điểm nóng của bất động sản và bong bóng chứng khoán, giá trị thị trường của thị trường chứng khoán (TTCK) Tokyo (Nhật) có thể mua được cả nước Mỹ. Tuy nhiên, cũng kể từ đó, chỉ số chứng khoán của Nikkei của Nhật đã giảm trong hơn một thập niên, từ 40.000 điểm xuống dưới mức 8.000 điểm, giá bất động sản của Nhật cũng giảm liên tục suốt 17 năm liền. Tổng kết cho thấy, trong 93 năm qua, bình quân mỗi năm chỉ số Nikkei chỉ tăng 7,21%.

"Con đường đau khổ" này cũng xảy ra với Thái Lan khi ở giai đoạn 1986 - 1993, chỉ số chứng khoán của nước này có mức tăng lên tới 45,5%/năm để rồi sau đó, từ năm 1994 - 1998, chỉ số này giảm gần một nửa, trung bình mỗi năm là 41,4%. Hậu quả nặng nề hơn nữa là cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 - 1998. Sau giai đoạn "có ăn có trả" này, TTCK Thái Lan mới đi vào đường ray bình thường với mức tăng trưởng trung bình 13,6%/năm trong cả giai đoạn từ 1998 - 2007. Nếu tính từ năm 1975 - 2007 thì con số tăng trưởng trung bình chỉ số chứng khoán Thái Lan chỉ là 6,7%/năm. Sự kỳ vọng thái quá của NĐT và tình trạng bong bóng chứng khoán, bất động sản cũng đang diễn ra ở Trung Quốc. Từ năm 2005 - 2007 chỉ số chứng khoán nước này đã tăng tới 59,5%/năm và nguy cơ Trung Quốc đi vào vết xe đổ của Nhật Bản đang được báo trước.

Trở lại với TTCK Việt Nam, tính từ năm 2000 - 2007, VN-Index tăng trung bình 36,5%/năm, trong đó riêng từ 2005 - 2007, VN-Index có mức tăng mỗi năm lên tới 82,6%. Với mức tăng "nóng" như trên, việc VN-Index sụt giảm như hiện nay được coi là điều tất yếu.

Kỳ vọng bất hợp lý

Theo một chuyên gia tài chính - chứng khoán tại TP.HCM, trong vòng 30 năm trở về đây, chỉ số chứng khoán tăng cao nhất là thị trường Kuala Lumpur (Malaysia) cũng chỉ bình quân 10%/năm. Chỉ số chứng khoán Trung Quốc sau khi tăng quá nóng tới gần 6.000 điểm nay chỉ còn khoảng 3.600 điểm. Như vậy việc VN-Index tăng tới 60% - 70% trong những năm qua là quá bất hợp lý và giảm là đương nhiên. Chuyên gia này nhận định nguyên nhân của tình trạng tăng trưởng nóng này là kỳ vọng bất hợp lý của NĐT về mức lợi nhuận từ TTCK, được hỗ trợ bởi bức màn thông tin giữa các cổ đông và doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động như thế nào? Huy động vốn để làm gì? Các NĐT không biết chính xác, chỉ nghe đồn thổi và ùa nhau mua hoặc bán. Đó là lý do vì sao TTCK Việt Nam luôn tạo ra các thái cực. "Câu chuyện về sự kỳ vọng quá mức của công chúng đã xảy ra ở Trung Quốc. Đơn cử như giá trị thị trường của PetroChina gấp 3 lần ExxonMobil trong khi lợi nhuận chỉ bằng phân nửa. Điều này quá phi lý và nguy cơ bị vỡ bong bóng là điều không thể tránh khỏi" - chuyên gia này nói.

Giám đốc điều hành một quỹ đầu tư nước ngoài tại TP.HCM cho biết, việc TTCK Việt Nam sụt giảm mạnh mẽ vừa qua không có gì bất ngờ với ông. "Kỳ vọng của NĐT đã đẩy giá chứng khoán lên quá cao và việc nó sụt giảm là điều tất yếu, hoàn toàn nằm trong dự đoán của chúng tôi". Với kinh nghiệm nhiều năm chinh chiến tại các TTCK thế giới, ngoài việc tuân thủ tiêu chí đầu tư vào giá trị doanh nghiệp thì quỹ này cũng đã "lướt sóng" thành công bởi dự đoán được xu hướng thị trường. "Thị trường đang trở về với bản chất của nó và nếu duy trì được thì sẽ đi theo hướng phát triển bền vững, bây giờ mới thực sự là cơ hội để đầu tư" - vị này nói.

Thị trường đã giảm theo quy luật và đang gượng dậy với biên độ mới. Các chuyên gia chứng khoán cũng kỳ vọng rằng, TTCK Việt Nam đang đi vào đường ray của sự phát triển bền vững.

(Theo ThanhNien)