Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nói năm nay, Ủy ban vẫn đặt trọng tâm vào vấn đề tăng cung, kích cầu.

Điểm nhấn trong năm 2007 của thị trường chứng khoán Việt Nam là gì, thưa ông?

Đặc trưng nổi bật nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2007 là đã thực sự trở thành kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế. Theo thống kê, tổng số huy động vốn qua đấu giá, phát hành trong năm 2007 đạt 80.000 - 90.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với tổng mức huy động vốn của năm 2006.

Nếu tính riêng việc huy động vốn thông qua chào bán, phát hành thêm thì gấp hơn 10 lần con số năm 2006. Cụ thể, năm 2006, phát hành chứng khoán ra công chúng là 1.300 tỷ đồng theo mệnh giá thì con số này năm 2007 là 22.000 tỷ đồng với số tiền thu được là hơn 30.000 tỷ đồng.

Điểm nhấn thứ hai trong năm 2007 là quy mô thị trường tăng rất lớn, giá trị giao dịch của toàn thị trường tăng rất cao, tương đương 3 lần so với năm 2006.

Mức vốn hóa thị trường vào cuối năm 2006 đạt khoảng 22,7%, năm 2007 tính trên GDP của năm 2006 khoảng 46% - 47%. Nếu tính theo GDP số mới nhất với ước đoán năm 2007 là 1.140 ngàn tỷ đồng thì mức vốn hóa thị trường là 39,4%.

Những giải pháp thúc đẩy theo chúng tôi phải giải quyết được từ hai phía cung - cầu của thị trường. Hiện nay thị trường cũng đã hấp dẫn, chỉ số P/E đạt khoảng 25-26, so với trước đây.

Để tạo ra những cú huých cho thị trường cần giải quyết vấn đề cung - cầu. Cung trong 2008 là khá lớn, nếu giải quyết được sẽ giải quyết được cả phía cầu. Quan điểm của chúng tôi vẫn là tăng cung và kích cầu.

Về hoạt động đấu giá cổ phần hóa, bên cạnh kết quả tăng trưởng rất mạnh so với năm 2006 thì việc tổ chức đấu giá đã có những cải cách cơ bản, chuyển sang đấu giá 2 cấp.

Về việc hoạt động tổ chức niêm yết và quản lý các công ty đại chúng, hiện nay có khoảng 765 công ty đại chúng đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhưng còn đủ hồ sơ đăng ký chính thức thì có khoảng trên 170, còn số danh sách đăng ký gửi hồ sơ sơ bộ bước đầu là 765, đây là số doanh nghiệp khá lớn.

Chúng tôi nghĩ, sang năm tới chúng ta quản lý tốt công ty đại chúng thì nó sẽ lành mạnh hóa các điểm công bố thông tin, bảo vệ được nhà đầu tư tốt hơn, lành mạnh hóa hơn thị trường chính thức và không chính thức.

Trong năm 2008, ưu tiên trong điều hành của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là gì, thưa ông?

Trọng tâm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước năm 2008 sẽ là công nghệ. Với công nghệ mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự tính áp dụng sẽ hoàn toàn theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trọng tâm thứ hai của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là nâng cao năng lực thanh tra, giám sát vì thị trường đang phát triển nhanh, không an toàn. Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xây dựng xong chức năng, nhiệm vụ, nhân sự của Ban Giám sát trình Bộ Tài chính duyệt. Khoảng cuối quý 1/2008, ban này sẽ đi vào hoạt động.

Quan điểm điều hành của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong năm 2008 vẫn đặt trọng tâm là tăng cung, kích cầu. Vậy với thực tế hiện nay trên thị trường, việc xử lý tăng cung sẽ được giải quyết ra sao?

Theo tôi, tăng cung hàng hóa cho thị trường sẽ vẫn tiếp tục do nhiệm vụ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vẫn đang tiếp tục thực hiện. Bên cạnh đó, việc cổ phần hóa các công ty lớn sẽ góp phần gia tăng lượng hàng hóa chất lượng cao cho thị trường.

Khi cung ứng hàng hóa tốt, quy mô thị trường tăng thì sẽ có điều kiện áp dụng các sản phẩm dịch vụ mới hơn và luồng vốn đầu tư nước ngoài vào cũng có chỗ để hấp thụ. Tuy nhiên, vấn đề cần giải quyết ở đây là cầu. Cung thì nhiều trong khi năng lực, cầu trong nước còn hạn chế như hiện nay thì cần phải được xử lý một cách linh hoạt và hợp lý.

Để xử lý phần cầu, chúng tôi cho rằng còn một số việc phải làm. Thứ nhất là luồng vốn đầu tư nước ngoài, cố gắng hoan nghênh, tận dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Khi vào thì việc xử lý cũng liên quan đến ngân hàng vì nguồn ngoại tệ vào, đổi qua tiền đồng để đầu tư. Về quản lý, chúng tôi theo tinh thần khuyến khích nguồn vốn này.

Thứ hai, để kích cầu phải mở rộng các quỹ đầu tư. Tiếp theo nữa là xử lý các vấn đề thị trường, trong đó có câu chuyện về vấn đề thuế chứng khoán. Vừa rồi, Bộ Tài chính đã thông báo tạm ngừng thu thuế thu nhập cá nhân về chứng khoán, sau khi Luật Thuế thu nhập cá nhân được đưa ra.

Từ nay đến cuối năm, lượng chào bán ra rất nhiều. Ủy ban Chứng khoán sẵn sàng ngồi lại với các tổ chức niêm yết, nếu tình hình thị trường cung - cầu có vấn đề, chúng tôi sẽ dãn lịch, chúng tôi sẽ xin phép Bộ Tài chính, nếu mà nguồn cung ra nhiều, các tổ chức niêm yết cảm thấy huy động và sử dụng không tốt thì có thể dãn ra đều, trải ra để xử lý cả cung cả cầu của thị trường.

Quan điểm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với việc quản lý luồng vốn đầu tư nước ngoài như thế nào, thưa ông?

Trước đây chúng ta chưa có quản lý gì đối với vốn đầu tư gián tiếp. Nếu chúng ta áp dụng những bài học quản lý từ Trung Quốc, một số nước theo kiểu có phân loại, xếp hạng, làm hạn ngạch để cấp phép đối với luồng vốn đầu tư nước ngoài thì có tác động không lợi vì đối với chứng khoán các giải pháp phải được làm một cách rất từ từ và nếu có kiểm soát thì cũng phải kiểm soát ở mức độ tăng dần hoặc giảm dần, chứ không nên làm cái gì đó cú sốc đến thị trường nên tinh thần của quy chế mới của chúng tôi lần này sẽ tập trung vào việc tăng cường báo cáo, công khai, minh bạch hơn đối với hoạt động đầu tư nước ngoài và tiếp tục xử lý luồng vốn để làm sao đây là một cơ hội.

Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu muốn kiểm soát được luồng vốn nước ngoài thì phải nắm bắt được nó. Đầu tiên là nắm bắt qua tài khoản họ mở ở ngân hàng, qua chế độ báo cáo của các văn phòng đại diện của các quỹ, các thành viên lưu ký, các công ty chứng khoán về danh mục đầu tư, nguồn vốn.

Khi mình nắm và biết được vốn vào vốn ra sẽ có được chính sách hợp lý. Trong câu chuyện về thu hút đầu tư nước ngoài này, theo tôi cần phải phát triển các kênh khác và cải cách về thị trường trái phiếu, đầu tư trực tiếp, bất động sản vì các kênh này liên thông với nhau vì khi vào thì nguồn vốn từ kênh này chuyển sang kênh kia và chuyện “đảo vốn” ngắn hạn giữa các kênh đầu tư là hoàn toàn có thể thấy được.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có chuẩn bị thế nào để đón những luồng vốn đầu tư nước ngoài lớn đó, bởi có khá nhiều tổ chức lớn đã vào Việt Nam tìm hiểu và họ chỉ chờ khi quy mô thị trường đủ lớn để vào?

Năm 2008, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Để đón nhận nguồn vốn này, cách ứng xử là đầu tiên nền kinh tế phải “khỏe” và khi “cơ thể” mình khỏe sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài và giữ được nhiều trong nền kinh tế. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ rút tiền ra khi nền kinh tế mất cân đối.

Đối với thị trường chứng khoán, yếu tố quan trọng nhất vẫn là tính công khai, minh bạch, công nghệ được nâng cấp tốt. Khi thị trường bền vững, tính thanh khoản cao thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia.

Trong câu chuyện về thu hút đầu tư nước ngoài này, theo tôi cần phải phát triển các kênh khác và cải cách về thị trường trái phiếu, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bất động sản vì các kênh này liên thông với nhau. Bởi chúng ta đều biết, khi vào thì nguồn vốn từ kênh đầu tư này có thể chuyển sang kênh kia và chuyện “đảo vốn” ngắn hạn giữa các kênh đầu tư là hoàn toàn có thể thấy được.

Điểm thứ ba là đối sách với luồng vốn này như thế nào thì các cơ quan phải có giải pháp để hấp thụ và thu hút được luồng vốn và giữ được. Rõ ràng là vốn vào nhiều mà khả năng hấp thụ kém thì hiệu quả sẽ kém, rồi áp lực lạm phát. Câu chuyện này nhiều cơ quan phải bàn bạc.

(Theo TBKTVN)