Vui buồn nhà đầu tư chứng khoán ăn Tết
Nếu như năm ngoái, phần lớn các nhà đầu tư ăn Tết với tâm trạng phấn khởi vì ai cũng trúng chứng khoán, thì năm nay không khí có phần trầm lắng hơn.
Theo anh Trần Tiến Dũng, nhà đầu tư sàn HBBS, 2007 được đánh giá là năm thăng trầm nhất trong lịch sử 7 năm thị trường chứng khoán Việt Nam. Các nhà đầu tư cũng nhiều cảm xúc khác nhau, buồn nhiều hơn vui bởi đa số trong số họ không lỗ ít thì lỗ nhiều.
Anh Dũng cho hay, tính đến cuối năm Đinh Hợi, hầu hết những nhà đầu tư bỏ vốn vào lúc "đỉnh" - thời điểm đầu năm 2007 - lỗ khoảng 30-40% dù có "vớt vát" được chút ít trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi chứng khoán nghỉ Tết Mậu Tý.
Anh Việt, nhà ở quận Long Biên, chỉ mới tham gia thị trường song cũng lỗ khoảng 20%. Theo lời kể của anh, hồi đầu tháng 10, nghe bạn bè rủ rê, cộng thêm những phân tích của một số đồng nghiệp được mệnh danh là "chuyên gia" vì có kinh nghiệm, anh đã huy động tiền từ bố mẹ, anh chị em để mua STB với giá 72.500 đồng một cổ phần.
Trớ trêu ở chỗ, suốt từ thời điểm anh mua vào, STB liên tục đi xuống, và có lúc xuống tới "đầu 5". Như người ngồi trên đống lửa, anh Việt chỉ cầu mong STB về được giá mua vào để đẩy đi, song đến tận cuối năm Đinh Hợi, giá của STB vẫn chưa lên nổi 65.000 đồng. Như vậy, tính đến nay, anh lỗ khoảng 300 triệu đồng. "Năm nay chắc không ăn Tết vui vẻ được", anh cười buồn.
Nhiều nhà đầu tư chứng khoán bị thua lỗ trong năm 2008. Ảnh: H.H. |
Dù chơi chứng khoán đã hơn một năm, song anh Phùng, ở quận Đống Đa cũng không tránh khỏi bị thua lỗ. Anh kể, đón đầu SSI chuyển sàn từ Hà Nội vào TP HCM với kỳ vọng giá sẽ tăng mạnh, nên ngay trong ngày đầu tiên SSI giao dịch tại HOSE, anh không ngần ngại đặt mua giá trần 300.000 đồng. Anh khấp khởi mừng thầm khi giá khớp ở mức 280.000 đồng. Thế nhưng, thời gian sau đó, SSI liên tục rớt giá. Đến phiên cuối cùng của năm Đinh Hợi, SSI chỉ còn 143.000 đồng.
Anh Phùng vẫn còn may, vì không chỉ mua SSI mà còn "lướt" một vài "con" khác. Khi thị trường ở giai đoạn điều chỉnh sâu anh đã kịp giải ngân nên lúc Vn-Index đột ngột đảo chiều trong tuần cuối cùng, anh Phùng đã nhanh chân đẩy hàng đi và thu hồi vốn phần nào. "Mặc dù vậy, tính ra trong năm qua tôi vẫn lỗ khoảng 25%", anh Phùng nói thêm.
Trái với những nhà đầu tư cá nhân, hay những tay lướt sóng ngắn hạn, những nhà đầu tư trường vốn, chuyên nghiệp và có bài bản, tuy không lãi được như năm ngoái, song không hề lỗ.
Ông Hùng - năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng có thâm niên 7 năm trên thị trường chứng khoán Việt Nam - cho biết, tính chung cả năm Đinh Hợi, tỷ suất lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán của ông vẫn đạt hơn 22%.
Từng có kinh nghiệm chơi chứng khoán trên các thị trường như Hong Kong, Singapore nên ông Hùng đầu tư với một chiến lược được tính toán cực kỳ cẩn trọng. Danh mục đầu tư của ông trải dài trên hơn 100 mã, có sự phân bổ rõ ràng với những mã tiềm năng. Chính vì vậy, năm nay, ông Hùng vẫn ăn Tết Mậu Tý với nhiều niềm vui.
Tính từ phiên giao dịch đầu năm Đinh Hợi, đến phiên cuối cùng của năm vào ngày 1/2 vừa qua, chỉ số Vn-Index đã mất tổng cộng 269,4 điểm. Trong suốt một năm giao dịch, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục trồi sụt thất thường và đạt đỉnh 1.170,67 điểm ngày 12/3, cao nhất trong lịch sử 7 năm hình thành thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, những tháng sau đó, Vn-Index liên tục sụt giảm và chỉ loanh quanh trong khoảng 900 đến 1.000 điểm, thậm chí có lúc tụt xuống dưới 800 điểm.
Tuy nhiên, trong một tuần trước khi nghỉ Tết, một loạt thông tin tốt cùng tới dồn dập khiến tâm lý nhà đầu tư thoải mái hơn. Vn-Index đã làm một cú lội ngược dòng ngoạn mục, tăng liền 6 phiên liên tiếp, khép lại năm Đinh Hợi đầy thăng trầm bằng một phiên giao dịch rất hứa hẹn.
Theo dự đoán của giới chuyên gia, trong năm 2008 thị trường chứng khoán sẽ lạc quan nhiều hơn. Phía các nhà đầu tư cũng có sự phân hóa rõ rệt giữa người chơi có tổ chức, nhà đầu tư có kinh nghiệm và những cá nhân nhỏ lẻ đầu tư theo kiểu bầy đàn.
0 Responses to Vui buồn nhà đầu tư chứng khoán ăn Tết
Something to say?