Bảy năm rồi (2001 - 2008) từ khi có thị trường chứng khoán Việt Nam, 5 năm đầu (2001-2005), các công ty niêm yết lên sàn chứng khoán vẫn còn nhỏ lẻ chập chững, khung pháp lý tạo bản lề cho nó phát triển vẫn còn khô cứng, máy móc.

Từ đầu năm 2006, hành lang pháp lý của UBCK Việt Nam được sửa đổi hợp lý và năng động hơn, người dân được tiếp cận với thông tin về chứng khoán, những ngôn từ như: OTC, IPO, Stock Exchance... đã trở thành quen thuộc và là câu cửa miệng của nhiều người dân thị thành (mặc dù chúng ta không thể phủ nhận rằng nhiều người nói rất hay về nó, nhưng thực chất không hiểu về nó bao nhiêu).

Người dân đã vậy, còn xoay quanh thị trường này có thêm tầng lớp cò tin, cò chứng khoán... Cả thị trường như lò than đang bén lửa và mỗi ngày một nóng.

Đồng thuận theo nó là các công ty đua nhau niêm yết trên thị trường khóc - cười này. Nhiều công ty mới thành lập, tài sản đăng ký chỉ là trên giấy, kinh doanh thì thua lỗ (có công ty còn trốn thuế) vẫn đua nhau lên sàn.

Giá trị thực của nó chỉ là con số âm, nhưng được phù phép và đánh bóng bằng những dự án khổng lồ, những văn bản ghi nhớ với các đối tác có tên có tuổi trên thương trường quốc tế trị giá hàng trăm triệu đôla, hàng tỉ đôla, cộng với giới cò chứng khoán ma quái to nhỏ thì thầm với các nhà đầu tư mê tiền nhưng dại khờ.

Và rồi giá trị thực của cổ phiếu chỉ 10 ngàn đồng được đẩy giá lên từng giờ, từng ngày và điểm đến đỉnh cao của nó hơn 650 ngàn đồng/CP, thậm chí 1 triệu đồng/CP. Cuộc chơi quá lớn, các nhà bán không khí và thời gian (Airphone) lấy tiền ngủ mơ cũng không dám nghĩ tới.

Không những thế, ngân hàng cũng thi nhau lên sàn với những công bố lãi suất tăng hàng tháng, hàng quý lên đến 30% - 40%. Quả thực, phép biến hoá của tiền tệ nhiệm màu. Ngân hàng huy động tiền gửi tiết kiệm trong dân vào khoảng 7%/năm (thời hạn 12 tháng) và cho các doanh nghiệp vay với lãi suất không quá 13%/năm.

Lấy thu bù chi thì lãi suất vào khoảng 5%/năm chưa trừ đi các dịch vụ thuê mướn văn phòng, chi trả cán bộ, công nhân và hàng chục các chi phí ăn theo khác, không loại trừ khả năng con nợ xấu, khó đòi và bị phá sản… thế mà thành quả đạt được "ngạc nhiên chưa"?

Dạo qua đôi nét chủ yếu của các đại gia lên sàn, chúng ta đã nhận thấy thị trường có nhiều vấn đề:

Thiếu minh bạch về khả năng thực tế của các công ty, mập mờ trong tổng vốn đầu tư thực tế và tổng trị giá tài sản vô hình cũng như hữu hình (assets); thông tin thất thiệt về khả năng tài chính cũng như sản xuất có lợi cho công ty niêm yết và nguy hại cho nhà đầu tư; giá chào bán được công bố trước khi niêm yết giá đấu thầu là đi ngược lại nguyên tắc căn bản của chứng khoán thế giới; cách quản lý và điều hành của UBCKVN nói chung và cách tìm hiểu, tham gia thị trường chúng khoán của nhà đầu tư không chuyên nghiệp...

Ở các nước phát triển, hầu như các công ty là công ty cổ phần, nhưng không phải bất cứ công ty nào cũng có thể lên sàn bởi khung pháp lý dành riêng cho nó vô cùng chặt chẽ.

Bất cứ công ty nào muốn niêm yết lên sàn giao dịch đều phải chứng tỏ được giá trị thực của họ và quan trọng hơn là kế hoạch thương mại của công ty đó từ 5 năm trở lên. Đánh giá này được công ty kiểm toán độc lập có uy tín thẩm định và phải chịu trách nhiệm về những thẩm định của mình trước pháp luật.

Nhưng ở VN thời gian qua thì lại khác.

Cần khẳng định rằng thị trường chứng khoán mà VN đang đi là tất yếu, phù hợp với sự phát triển chung của thế giới. Thời gian sóng gió vừa qua thiết nghĩ cũng là bài học đắt giá cho cả những người quản lý, cho các công ty niêm yết và nhà đầu tư nói chung.

Giá trị thực hiện nay là thời điểm ảnh thật của thị trường chứng khoán VN được thể hiện. Hãy từ điểm mốc này để từng bước học hỏi và phát triển theo quy luật tự nhiên mà các nước đã trải nghiệm hàng trăm năm hoạt động.

Thị trường chứng khoán là một hệ thống huy động vốn nhanh, mạnh phục vụ cực tốt cho tái đầu tư sản xuất, cũng là một trong những nền tảng quan trọng để đưa VN hội nhập sâu, rộng với thế giới. Nếu minh bạch trong công tác quản lý, điều hành và chuyên nghiệp niềm tin của nhà đầu tư sẽ được củng cố và kinh tế sẽ phát triển.

(Theo LaoDong)