Trong kinh tế thị trường, các kênh đầu tư có quan hệ với nhau, giống như "bình thông nhau", khi kênh này tăng thì kênh kia giảm và ngược lại. Các kênh đầu tư hiện nay đang được các nhà đầu tư lựa chọn là: chứng khoán, bất động sản, vàng và tiết kiệm.

Chứng khoán là thị trường đang thu hút một lượng vốn khá lớn. Riêng thị trường chính thức đã thu hút một lượng vốn (tính theo thị giá hay còn gọi là giá trị vốn hóa thị trường) lên đến trên 400 nghìn tỉ đồng, bằng gần 40% GDP, số nhà đầu tư lên đến trên 300 nghìn, số tiền giao dịch hằng ngày lúc cao nhất lên đến hơn 2.000 tỉ đồng, lúc thấp nhất cũng cỡ 600 - 700 nghìn tỉ đồng,... Khác với các năm trước đây, giá chứng khoán thường tăng khá vào cuối năm trước và tăng mạnh vào đầu năm sau, nhất là cuối năm 2006 và đầu năm 2007, năm nay giá chứng khoán đã "đao xuống" mạnh vào cuối năm 2007 và đầu năm 2008 - đến ngày 22.2, VN-Index chỉ còn 686 điểm, mức thấp nhất tính từ cuối năm 2001 đến nay, HaSTC-Index cũng chỉ còn 239 điểm, mức thấp nhất tính từ tháng 10 năm trước.

Nhiều người đã tính chuyện mua vào, do coi đây đã là mức đáy hoặc gần với mức đáy và có nhiều thông tin tốt như chưa đánh thuế thu nhập chứng khoán, giãn IPO, hệ số P/E chỉ còn khoảng 17-18 lần, một số công ty niêm yết mua lại chứng khoán làm cổ phiếu quỹ, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ có chủ trương đồng ý cho phép các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mua cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa khi IPO... Tuy nhiên, do sự tăng mạnh của cung chứng khoán, do có một khối lượng lớn vốn được dồn sang thị trường vàng, bất động sản và sự thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát của Ngân hàng Nhà nước... nên nhiều người vẫn còn dự đoán rằng VN-Index và HaSTC-Index sẽ còn "đao xuống" với mức đáy mới nữa, nên nếu có tăng lên cũng chỉ tạm thời mà giảm xuống là xu hướng, ít nhất cũng là hết tháng 3, tháng 4. Song, những người có vốn của mình, các nhà đầu tư dài hạn, thì về lâu dài thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tốt.

Bất động sản bước vào giai đoạn ấm, nóng, sốt cục bộ từ năm 2007 và thực sự bước vào cơn sốt thứ ba từ đầu năm 2008, dâng cao ở các đô thị lớn và đang lan rộng về các tỉnh chung quanh. Nhưng trước hàng loạt các biện pháp mạnh là "siết chặt tiền tệ" nhằm chống lạm phát, đặc biệt là để hãm bớt cơn sốt bất động sản, giá nhà đất ở TP.HCM đã chững lại, một vài khu vực đã giảm xuống; còn ở Hà Nội cũng đã không còn sôi sùng sục, chủ yếu do còn chờ đợi, nghe ngóng chính sách về tiền tệ, chính sách thuế lũy tiến, thuế thu nhập cá nhân; hiện mới bị hạn chế về nguồn tiền, nếu bị hạn chế bằng chính sách thuế lũy tiến, thuế thu nhập cá nhân thì sẽ còn bán nhiều hơn mua. Mặc dù việc mua bán bất động sản không thể nhanh chóng, nhưng việc nghiên cứu ban hành các văn bản về hạn mức đất, nhà, về thuế,... thường còn chậm hơn nhiều, đến khi có văn bản thì các đại gia buôn bán thực sự đã bán hết rồi, chỉ còn những người mua bán nhỏ lẻ theo phong trào sẽ lãnh đủ.

Vàng là kênh đầu tư xem ra vừa gọn nhẹ, không cần một lượng vốn lớn, mua bán nhanh chóng, chu kỳ lên xuống ngày một ngắn lại, xu hướng chung là tăng lên. Xu hướng tăng lên chủ yếu là do nền kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ nếu không suy thoái thì cũng bị lạm phát, thậm chí đứng trước cả hai nguy cơ. Lãi suất cơ bản của Mỹ đã được cắt giảm đến mức khá thấp (3%), nhưng xem ra nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ suy thoái, nên để tránh suy thoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ còn phải cắt giảm lãi suất xuống tiếp nữa. Khi lãi suất bị cắt giảm xuống tiếp nữa thì lạm phát đã tăng cao trong thời gian qua sẽ có nguy cơ cao hơn nữa. Khi lạm phát cao thì đồng USD sẽ càng giảm giá; khi đó giá vàng sẽ càng tăng xét theo hai ý nghĩa: một mặt, giá vàng tính bằng USD sẽ cao lên, mặt khác, do giá USD giảm mà việc dự trữ đầu tư bằng USD sẽ được chuyển sang vàng.

Tiết kiệm trong thời gian dài có lãi suất thực âm, nhất là trong mấy tháng nay. Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách chống lạm phát, thì gửi tiết kiệm đã trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn theo hai ý nghĩa. Một, lãi suất của nhiều ngân hàng đã lên khá cao, có ngân hàng lên tới 1%/tháng đối với kỳ hạn tháng hoặc trên 10%/năm đối với kỳ hạn năm. Hai, tháng 3 trong các năm trước thường là tháng có giá giảm (trong 17 năm qua, chỉ có 6 tháng giá tăng, còn 11 tháng giá giảm) do tháng 1, 2 là tháng có Tết Nguyên đán thường giá tăng cao, sang tháng 3 nhu cầu có thấp hơn. Tháng 4, tháng 5 giá tăng không cao lắm. Vì vậy, nếu gửi tiết kiệm vào tháng 2, tháng 3 này sẽ có lãi suất thực dương. Giữa các kỳ hạn gửi, bình thường thì nên chọn kỳ hạn ngắn để dễ rút ra khi chuyển đổi đầu tư, kỳ này có một số ngân hàng kỳ hạn ngắn lại có lãi suất cao hơn kỳ hạn dài, nhưng nếu có kỳ hạn dài mà lãi suất trên 10%/năm thì gửi tiết kiệm sẽ có lợi.

(Theo ThanhNien)