Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có đề xuất cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá cổ phần được mua bằng ngoại tệ theo tỷ giá quy định nhằm phát triển thị trường chứng khoán.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Băng Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp niêm yết, về vấn đề nêu trên.

Ông Tâm cho biết: Biện pháp này nếu được áp dụng sẽ có nhiều điểm lợi. Nếu thực hiện việc cho “mua thẳng” bằng ngoại tệ, thì số ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài được chuyển thẳng cho doanh nghiệp hoặc vào kho bạc để trả cho Nhà nước.

Như vậy là không phải qua công đoạn chuyển đổi và Nhà nước cũng không phải bỏ tiền đồng để mua số ngoại tệ đó vào.

Tuy nhiên, đề xuất này cũng nhận được nhiều ý kiến lo ngại, nhất là tác động đô la hóa nền kinh tế. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này? Việc quản lý nguồn vốn sẽ ra sao?

Nếu cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá cổ phần được mua bằng ngoại tệ theo tỉ giá quy định, thì số ngoại tệ này vẫn không đi ra khỏi ngân hàng, mà chỉ là chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác trong phạm vi kiểm soát của ngân hàng và Vụ Quản lý ngoại hối.

Số ngoại tệ này sẽ không tác động làm tăng tình trạng đô la hóa nền kinh tế, vì khi đô la hóa nền kinh tế tức là phải đổi đồng đô la thành đồng tiền mặt để trao đổi lẫn nhau trên thị trường. Còn ở đây tất cả đều được thanh toán qua ngân hàng.

Trong trường hợp nếu doanh nghiệp phát hành thêm và nhà đầu tư nước ngoài chuyển ngoại tệ vào tài khoản của doanh nghiệp thì khi doanh nghiệp nhập hàng hóa, thiết bị về để phục vụ sản xuất thì họ cũng sử dụng đồng đô la đó, thông qua ngân hàng, để thanh toán cho khách hàng nước ngoài.

Như vậy số ngoại tệ này vẫn trong ngân hàng và nằm dưới sự kiểm soát của ngân hàng. Một điểm lợi nữa là việc cho phép này không bị ảnh hưởng của sự khan hiếm tiền đồng trên thị trường.

Với những doanh nghiệp cần ngoại tệ thật sự thì họ không phải đi mua ngoại tệ của ngân hàng.

Theo ông, việc thêm các quỹ đầu tư vốn nước ngoài tham gia trị trường sẽ có tác động thế nào?

Đây cũng là một giải pháp trong thời điểm hiện nay. Lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp cao trên thị trường rất ít. Chúng tôi cũng đang trình quy chế cho phép thành lập công ty cổ phần đầu tư tài chính.

Nếu khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty này ra đời và kinh doanh tài chính chứng khoán một cách chuyên nghiệp thì thị trường sẽ bớt tình trạng mua theo “bầy đàn”, giúp thị trường tốt hơn.

Hiện, số lượng các công ty chứng khoán cũng khá nhiều nhưng cũng nên mạnh dạn tiếp tục cho ra đời các công ty chứng khoán vì dù sao các công ty này cũng góp phần xây dựng thị trường tốt hơn.

Diễn biến trên thị trường hiện nay cho thấy, sau khi Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, với tổng giá trị 20.300 tỷ đồng, dưới hình thức bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng, thị trường lập tức có sự phản ứng và rất nhiều nhà đầu tư đã đổ xô bán tháo cổ phiếu. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?

Đây là sự ngộ nhận, hiểu nhầm của các nhà đầu tư rằng việc này sẽ rút hết vốn của các ngân hàng. Thực tế số tiền này là quá nhỏ so với nguồn vốn của các ngân hàng.

Xin cảm ơn ông!

(Theo TienPhong)