Hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đều có hoạt động đầu tư tài chính. Các ngân hàng hiện đang khan hiếm tiền mặt. Liệu pháp tốt nhất hiện nay của các ngân hàng là tăng lãi suất huy động vốn và bán ra cổ phiếu...

Có lẽ đây là lần thứ 2 trong lịch sử thị trường chứng khoán (TTCK) VN, phiên giao dịch ngày 21/2, giá chứng khoán hầu như rơi tự do. Trên bảng điện tử, chỉ có dư bán mà không có dư mua. Sau 5 phiên liên tiếp mất điểm, chỉ số VN-Index chỉ còn 710,45 điểm. Thị trường đã rơi vào tình trạng cung – cầu hoàn toàn mất cân đối. Trên thực tế, một loạt những biện pháp kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tác động khá mạnh đến tâm lý nhà đầu tư (NĐT); dẫn đến động thái bán ra liên tục không chỉ của các NĐT cá nhân, mà của cả các tổ chức đầu tư trong nước.

Các tổ chức đầu tư trong nước bắt đầu tháo chạy

Động thái bán tháo cổ phiếu (CP) của các tổ chức đầu tư trong nước bắt đầu diễn ra liên tục từ những phiên sau Tết đến nay. Họ bán ra không chỉ ở những CP blue-chips mà cả những CP bậc trung và nhỏ. Vì sao, các tổ chức đầu tư – những NĐT chuyên nghiệp (đầu tư theo giá trị doanh nghiệp) lại bán ra CP trong thời điểm chỉ số VN-Index ở mức thấp như hiện nay? Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, khá nhiều ngân hàng TMCP có hoạt động đầu tư tài chính đều tránh né không trả lời. Họ cho rằng đây là thời điểm khá nhạy cảm nên mọi thông tin trong thời điểm hiện nay đều không có lợi cho thị trường.

Theo dõi những diễn biến trên thị trường từ sau Tết đến nay, giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài cũng khẳng định, lượng CP bán ra trong thời gian qua chủ yếu là của các tổ chức đầu tư trong nước chứ không phải của các NĐT riêng lẻ. Ông cho rằng, sau Tết tình trạng khan hiếm tiền mặt đã diễn ra, nguồn vốn để cho vay của các ngân hàng không còn nhiều. Sự hút về 20.300 tỉ đồng thông qua việc mua tín phiếu NHNN sẽ làm cho các ngân hàng thương mại càng thiếu hụt một lượng tiền mặt. Liệu pháp tốt nhất hiện nay là tăng lãi suất huy động vốn và bán ra CP từ hoạt động đầu tư tài chính để rút tiền về, thông qua TTCK.

Thực tế, thời gian qua, hầu hết các ngân hàng TMCP đều có hoạt động đầu tư tài chính. Lãi hoạt động kinh doanh của nhiều ngân hàng năm 2006 chủ yếu từ việc đầu tư mua, bán CP của các doanh nghiệp, ngân hàng trên thị trường OTC và thị trường chính thức. Mặc dù việc bán ra CP của các tổ chức đầu tư không nhiều, do giá trị giao dịch trung bình thấp, nhưng việc bán tháo CP của các tổ chức đã kéo thị trường tụt dốc nhanh hơn.

Nhà đầu tư chuyển vốn qua ngân hàng

Tâm lý thất vọng bán ra CP đang bao trùm trên các sàn giao dịch chứng khoán hiện nay. Nhiều NĐT cá nhân sau khi bán ra CP đã bắt đầu rút tiền ra khỏi thị trường. Ông Trần Quang Tuấn, NĐT Công ty Chứng khoán Agriseco, cho rằng hiện nay, các ngân hàng đang đua nhau tăng lãi suất huy động vốn, giá vàng và giá bất động sản đang tăng cao, NHNN lại đang kìm hãm lạm phát, nên đây là thời điểm thích hợp để chuyển vốn sang gửi tiết kiệm - vừa an toàn mà lại vừa không nặng đầu về việc “lên xuống” như trên TTCK. Với tình hình biến động như hiện nay, khả năng luồng vốn của các NĐT riêng lẻ sẽ chảy về các ngân hàng. Đây cũng là cơ hội quá tốt cho các tổ chức đầu tư tài chính nước ngoài – những NĐT chuyên nghiệp có tiềm lực, có kinh nghiệm trên thị trường hiện nay để mua vào CP với giá rẻ.

Theo quy luật thông thường, khi CP rớt mạnh 3 – 4 phiên liên tục thường có những phiên bật trở lại. Nhưng thực tế những biến động vừa qua cho thấy sự bật trở lại chỉ xảy ra vào đợt khớp lệnh thứ 2, đến đợt thứ 3 thì cuộc đổi chiều giá đều bất thành, do một khối lượng cung mới lại tiếp tục được tung ra. Vì vậy niềm tin vào sự phục hồi của TTCK trong thời gian gần là khá mong manh. Nhất là khi các tổ chức tài chính đang chịu áp lực lớn từ việc khan hiếm tiền đồng từ chủ trương siết chặt tiền tệ.

* Nhà đầu tư trong nước bán tháo, nước ngoài tăng mua

Trong khi thị trường sụt giảm mạnh ở tư thế “rơi tự do”, NĐT trong nước bán tháo CP thì NĐT nước ngoài lại có dấu hiệu tăng mua trong một hai phiên gần đây. Cụ thể, trên sàn TPHCM, ở phiên giao dịch trước đó, họ đã “gom” vào 69 mã các loại với khối lượng trên 1,17 triệu CP, giá trị trên 92,4 tỉ đồng (chiếm 12,8% giao dịch toàn thị trường), trong khi bán ra chỉ 36 mã với khoảng 323.000 triệu CP, giá trị 25,33 tỉ đồng (chiếm 3,52% giao dịch toàn thị trường). Còn ở phiên giao dịch hôm qua (21-2), họ tiếp tục mua nhiều hơn, với khối lượng khớp lệnh trên 1,51 triệu CP, giá trị 119,69 tỉ đồng (chiếm 23,6% giao dịch toàn thị trường). Trong khi bán ra 79.140 CP, giá trị 5,809 tỉ đồng (chiếm 1,15% giao dịch toàn thị trường). Bên cạnh đó, các NĐT nước ngoài còn giao dịch thỏa thuận mua vào 2 CP là DPM (30.000 CP); PPC (25.000 CP). Tại sàn Hà Nội, họ cũng mua vào trên 192.500 CP, giá trị 13,46 tỉ đồng.

(Theo NLD)