Thời gian qua, một nhà đầu tư hết sức ngạc nhiên khi được công ty chứng khoán thông báo họ đã nhầm lẫn và thực hiện giao dịch mua vài trăm cổ phiếu blue chip trên tài khoản của anh.

Anh cho biết công ty chứng khoán đề nghị anh mua lại số cổ phiếu này hoặc đặt bán giúp công ty để sửa lỗi giao dịch. Nhà đầu tư này đã đồng ý mua lại số cổ phiếu trên.

Khi được hỏi về nguyên nhân xảy ra lỗi giao dịch trên, trưởng phòng môi giới một công ty chứng khoán nhận định sai sót này có thể bắt nguồn từ khâu chuyển lệnh vào cho đại diện sàn, hoặc đại diện sàn nhập lệnh vào hệ thống.

Vị trưởng phòng này cho biết các công ty thường có chung một quy trình đặt lệnh. Khách hàng đặt lện tại quầy phải cung cấp cho nhân viên đặt lệnh các thông tin tài khoản như tên, số tài khoản, số chứng minh, lệnh mua (hay bán), khối lượng, và giá giao dịch. Những thông tin này sẽ được nhân viên đặt lệnh kiểm tra tại chỗ sau đó lệnh sẽ do một nhóm nhân viên khác kiểm tra lần nữa và chuyển cho đại diện sàn tại sở Hose, hoặc Hastc qua điện thoại.

Những lỗi trong giao dịch đến chủ yếu từ các công đoạn do con người vận hành, như nhân viện nhận lệnh, và đại diện sàn nhập lệnh. Ảnh:Hoàng Hà.
Những lỗi trong giao dịch đến chủ yếu từ các công đoạn do con người vận hành, như nhân viện nhận lệnh, và đại diện sàn nhập lệnh. Ảnh:Hoàng Hà.

Sau khi các lệnh mua và lệnh bán được thực hiện ở trung tâm lưu ký, buổi chiều thông tin về cổ phiếu và tiền sẽ được gửi về các công ty chứng khoán để xử lý, và phân bổ về từng tài khoản.

Theo vị chuyên gia này nhìn chung các công ty đều có hệ thống giám sát khá chặt chẽ nên hiện tượng mua, bán nhầm ít khi xảy ra. Tuy nhiên, trong quy trình thực hiện vẫn có thể có sai sót do con người. Cụ thể có thể sai sót ở hai khâu: Khâu chuyển lệnh vào cho đại diện sàn, người nhận lệnh báo sai thông tin về khách hàng. Hoặc đại diện sàn nhập sai thông tin.

Từ đó dẫn đến các nhầm lẫn rất "phong phú", từ việc mua, bán nhầm số tài khoản, cho tới mua hoặc bán khống.

Như trường hợp của nhà đầu tư trên, có thể đại diện sàn hoặc nhân viên đặt lệnh đã thông báo lệnh mua nhầm vào tài khoản của anh. Biện pháp xử lý thường là đề nghị nhà đầu tư mua lại cổ phiếu theo giá đóng cửa của phiên xảy ra sai sót; hoặc đặt lệnh bán khi số cổ phiếu đó về tài khoản.

Trường hợp khách hàng A bị bán nhầm sẽ phức tạp hơn. Chẳng hạn khách hàng A có 2.000 cổ phiếu X và đặt bán 1.000 đơn vị. Do nhầm lẫn, đại diện sàn bán 2.000 cổ phiếu. Như vậy đã có 1.000 đơn vị bị bán nhầm.

Các công ty sẽ giải quyết bằng cách dùng cổ phiếu tự doanh hoặc huy động từ khách hàng khác để "trả" lại khách hàng bị bán nhầm (gọi tắt là tài khoản được vay, B).

Huy động ở đây được hiểu là công ty đề nghị khách hàng B bán cho công ty số cổ phiếu cần thiết; Nếu bên B đồng ý bán, cổ phiếu sẽ được sang tên cho A (ngay trong ngày giao dịch).

Hoặc công ty có thể vay từ B. Vay ở đây nghĩa là công ty sẽ có toàn quyền giao dịch lượng cổ phiếu được vay trong một khoảng thời gian và cam kết sẽ trả lại đúng lượng cổ phiếu đã vay vào thời điểm định trước đã được thỏa thuận giữa hai bên. Khách hàng sẽ được hưởng phần trăm theo giá trị thị trường của cổ phiếu tại thời điểm cho vay. Lãi suất bằng vay lãi suất ngân hàng. Cổ phiếu được vay sẽ chuyển vào tài khoản của bên vay.

Trưởng phòng giao dịch một công ty chứng khoán cho hay, các công ty thường dùng cổ phiếu tự doanh để trả nhiều hơn là vay từ khách hàng, để tránh gây hoang mang cho nhà đầu tư.

Mọi hoạt động sửa lỗi giao dịch đều phải được thực hiện ngay trong ngày và được báo cáo về trung tâm lưu ký.

Một nhân viên công ty chứng khoán cho biết thông thường ở những cổ phiếu tính thanh khoản tốt, việc mua, bán, vay mượn cổ phiếu diễn ra dễ dàng. Nhưng công ty của anh đã từng khốn khổ vì bán nhầm cổ phiếu hiếm. Nhầm lẫn này diễn ra vào tháng 7 năm 2007 trên BMC, cổ phiếu được coi là "chú ngựa ô" trên Hose.

Mã này khi đó tăng trần liên tiếp trong hàng tháng trời với dư bán rất thấp, còn dư mua trần luôn cao chót vót. Bán ra thì dễ mà mua vào lại quá khó, anh đã phải đàm phán với rất nhiều khách hàng ở cả công ty của anh lẫn các công ty khác mới "mượn" đủ cổ phiếu để trả lại người bị bán nhầm.

Tại các công ty chứng khoán, hệ thống có thể kiểm tra được tài khoản của khách hàng có đủ cổ phiếu hoặc tiền để khớp lệnh hay không. Nhưng nếu các lệnh đã được chuyển đến sàn, hệ thống kiểm soát ở trung tâm lưu ký chỉ biết được lệnh mua hay bán thực hiện trên tài khoản nào nhưng lại không kiểm soát được liệu tài khoản đó có tiền hay chứng khoán hay không. Đây chính là một khe hở khiến xảy ra tình trạng mua hoặc bán khống.

Ông Lê Nhị Năng, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, cho biết hiện tại việc kiểm tra xem liệu công ty chứng khóan có nhập lệnh mua, bán đúng tài khoản của khách hàng thực hiện giao dịch hay không đều do công ty tự chịu trách nhiệm.

Như trường hợp khách hàng bị công ty chứng khoán thực hiện giao dịch nhầm tài khoản hoặc tự ý sử dụng cổ phiếu để mua bán, thông thường giữa công ty và khách hàng sẽ có đàm phán để tìm phương án giải quyết.

Chỉ khi hai bên không hòa giải được và có khiếu kiện lên sở, khi đó sở sẽ lập ra một ban hòa giải để thu xếp những khúc mắc giữa hai bên.

Theo ông Năng, từ trước đến nay, Sở chưa nhận được khiếu kiện nào về các vấn đề như trên từ các nhà đầu tư.

Xuân Hòa-Vnexpress