Trong giới chứng khoán, "chân dài" ám chỉ các cổ phiếu hiếm, luôn đứng đầu "ngọn sóng" lúc thị trường lên. Đây cũng chính là hàng nóng được giới đầu tư ưa chuộng khi muốn lướt sóng.

Tại sàn Hose, các chân dài nổi tiếng nhất là BMC, LBM. Trong quá khứ còn có thêm các mã SGH, TCT, TAC và HAX. Những "kiều nữ" của sàn Hà Nội đông đảo hơn với một loạt những cái tên như S91, S99, SDA, PAN, TLT.

Vào thời điểm thị trường khởi sắc, các mã trên tăng rất mạnh. Trong tháng 9-10/2007, S91 tăng 3,5 lần, PAN tăng hơn 3 lần, TLT tăng 5 lần, TCT tăng hơn 5 lần, BMC tăng gần 4 lần trong tháng 5-6 và tiếp đó là gần gấp đôi trong tháng 9/2007.

Giai đoạn hồi phục của Vn-Index vừa qua. Những cái tên này cũng đứng đầu về tăng trưởng, từ 60% đến trên 70% trong khi Vn-Index và Hastc-Index chỉ đi lên lần lượt 30% và 36%.

Đặc điểm chung của các cổ phiếu hàng "hot" này là vốn nhỏ, nên ít cổ phiếu, chỉ cần một lượng đặt mua chừng vài chục nghìn đơn vị đã gây khan hiếm.

Những cổ phiếu nhỏ, nhưng có kết quả kinh doanh tốt, tăng trưởng nhanh thường có tiềm năng trở thành các
Bên cạnh các blue chip, các nhà đầu tư cũng rất chuộng các cổ phiếu nhỏ, tăng trưởng nhanh, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu cao. Ảnh: Hoàng Hà.

Tại thời điểm thông qua nghị quyết đại hội cổ đông năm 2006 vào tháng 4/2007, mã BMC chỉ có số vốn hơn 13 tỷ đồng, tương đương với lượng cổ phiếu trên 1,3 triệu đơn vị. Ngay cả khi quyết định tăng vốn lên gấp 3, vốn điều lệ của công ty này cũng chỉ khoảng 40 tỷ đồng, tương đương 4 triệu cổ phiếu, ít hơn lượng giao dịch trung bình của SSI trong một số phiên.

Trong số này, đại diện nhà nước nắm tới 51% tổng vốn, các cổ đông lớn, cổ đông chiến lược cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể, vậy nên lượng cung thực tế ra thị trường còn ít hơn nữa.

Tại Hastc, mã S91 của Công ty Cổ phần Sông Đà 9.01, trực thuộc Sông Đà 9, có vốn khoảng 15 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ sở hữu của đại diện nhà nước và thành viên hội đồng quản trị lên tới 55,5%. Các "anh em" Sông Đà khác như S96, S99 cũng có số vốn khá thấp lần lượt là 25 và 29,7 tỷ đồng.

Một nét đặc biệt nữa của các mã này là kết quả kinh doanh tốt, tăng trưởng mạnh, và lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) cao.

Thời điểm cuối năm 2007, tổng lợi nhuận của BMC tăng trên 120% so với năm 2006. EPS của công ty này lên tới hơn 10.000 đồng một cổ phiếu, mức rất cao so với các công ty khác. Chẳng hạn như blue chip SSI hết năm 2007 cũng chỉ có lợi nhuận vào khoảng trên 8.300 đồng một cổ phiếu, tăng trên 21% so với năm 2006. Hay REE thậm chí EPS chỉ là 5.800 đồng một cổ phiếu, giảm so với năm 2006. Con số này với STB là hơn 3.900 đồng.

Mã SCJ có vốn chỉ 26 tỷ nhưng lợi nhuận sau quý I đã là 8 tỷ đồng, dự tính 6 tháng đầu năm sẽ là... 19 tỷ.

Yếu tố thông tin tốt bất ngờ cũng rất cần thiết để cổ phiếu hiếm tăng trưởng phi mã. Một nhà đầu tư cho biết, cổ phiếu VIS (Thép Việt Ý) thông báo huy động vốn để phục vụ cho dự án xây dựng nhà máy phôi thép vào thời điểm này năm ngoái. Các nhà đầu tư phản ứng ngay lập tức trước tin này, cổ phiếu của VIS tăng vọt gấp 3 lần chỉ sau 1 tháng.

Thông tin về dự án khai thác mỏ Titan cũng giúp BMC một mình đi lên ngay trong giai đoạn điều chỉnh giảm của thị trường.

Tin về tăng vốn, chuyển sàn của nhiều cổ phiếu cũng khiến các mã này chuyển từ cổ phiếu thường thành cổ phiếu hiếm. Khác với thời điểm này, khi mà tin tăng vốn không thu hút các nhà đầu tư, một năm trước đây có một làn sóng săn cổ phiếu nhỏ sẽ buộc phải tăng vốn để đáp ứng điều kiện niêm yết trên cả hai sàn. Xu hướng lựa chọn cổ phiếu kiểu này cũng khiến nhiều cổ phiếu đột ngột tăng mạnh.

Đột biến giá còn có thể do cổ phiếu dễ bị làm giá, và hay bị làm giá. Có những mã kết quả kinh doanh bình thường nhưng giá vẫn tăng phi mã.

Trong năm 2006, EPS của S91 là chỉ khoảng hơn 3.200 đồng cổ phiếu. Kết thúc năm 2007, con số này chỉ thêm được 300 đồng, thành 3.500 đồng một cổ phiếu. Doanh thu thuần quý I/2008 của S91 là trên 16 tỷ, có nghĩa là lợi nhuận chưa trừ thuế trên mỗi cổ phiếu chỉ khoảng trên 1.000 đồng. Công ty này trong suốt nửa đầu năm 2007 cũng không có thông tin đặc biệt nổi trội.

Tuy nhiên, vào giai đoạn tăng trưởng mạnh trên 50% của Hastc-Index vào tháng 9 và 10/2007. S91 tăng từ 27.000 đồng lên tới 96.000 đồng một cổ phiếu, tăng hơn 250%. Một tháng trở lại đây, mã này tiến thêm được tới 72%.

Một chuyên gia nhận định, trường hợp của các cổ phiếu có kết quả kinh doanh bình thường nhưng giá tăng phi mã không thể dùng các phân tích thông thường để lý giải cho diễn biến giá. Ông nhận định những mã này thường là cổ phiếu nhỏ và dễ bị làm giá.

Chẳng hạn, với số vốn 15 tỷ đồngcủa S91, trong đó cổ phiếu "trôi nổi" ngoài thị trường chỉ có khoảng 700.000 đơn vị (cổ phiếu do Sông Đà 9 nắm tới 55% số vốn). Giá tại thời điểm bắt đầu tăng của S91 chỉ là 27.000 đồng một cổ phiếu. Phiên đỉnh điểm về khối lượng giao dịch của mã này thì giá trị giao dịch cũng chỉ khoảng 6-10 tỷ đồng.

Với 10 tỷ, giao dịch mua bán trên các blue chip như REE, SSI vào thời điểm năm ngoái sẽ chẳng bõ bèn gì. Nhưng một đại gia nếu có sẵn lượng cổ phiếu S91 nhất định, chỉ cần bỏ ra khoảng dưới 10 tỷ, và tung hứng trên nhiều tài khoản, sẽ dễ dàng đẩy giá lên cao và bán ra kiếm lời. Người thao túng giá sẽ đặt mua một lượng cổ phiếu lớn trong nhiều phiên để đẩy giá lên cao. Giá cổ phiếu tăng trần liên tiếp sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư mua theo. Sau khi tăng đến mức kỳ vọng, người làm giá có thể bất ngờ xả hàng để thu lợi.

Tuy nhiên, chạy theo chân dài không ít rủi ro. Các cổ phiếu loại này thường ít vốn nên tính thanh khoản sẽ rất kém, giá lên thì tranh mua, xuống thì tranh bán. Với những mã này, nhà đầu tư muốn mua được sẽ luôn phải đặt lệnh mua giá trần vào đầu phiên. Vì vậy, khi có dấu hiệu bán tháo và quay đầu, nhà đầu tư sẽ không thể chủ động hủy lệnh mua. Đặc biệt với các mã tại Hose do trong đợt khớp lệnh mở cửa không được phép hủy lệnh. Điều này dẫn tới khả năng lỗ lớn khi cổ phiếu về tài khoản.

Chị Hương, nhà đầu tư tại Công ty Chứng khoán Tân Việt, đã từng "lõm" tới gần 50% sau 4 ngày kể từ khi mua cho đến khi cổ phiếu về tài khoản, do ôm phải cổ phiếu hiếm TCT đúng thời điểm mã này quay đầu.

Theo một chuyên gia chứng khoán, thời gian gần đây, số cổ phiếu hiếm đã giảm đi nhiều do thị trường xuống, nhà đầu tư đã có kinh nghiệm, các doanh nghiệp nói chung cũng tăng vốn vài lần nên tính thanh khoản được cải thiện hơn nhiều. Nhiều mã trước đây được coi là cổ phiếu hiếm thì nay đã hết thời hút khách. Chẳng hạn như VIS, TAC, SGH đã tỏ ra khá đuối trong giai đoạn hồi phục thị trường thời gian gần đây, trái với diễn biến tăng rất mạnh vào năm ngoái.

Bên cạnh các yếu tố tiêu cực như làm giá, tâm lý đầu cơ chờ tin tốt, một số "chân dài lành mạnh" vẫn sẽ luôn là lựa chọn sáng suốt nhất cho các nhà đầu tư khi thị trường đảo chiều nhờ vốn nhỏ, tăng trưởng tốt, và lợi nhuận cao.

Vị chuyên gia này cho rằng, thị trường cổ phiếu bên cạnh các blue chip, vẫn luôn cần sự xuất hiện các "chân dài" - những công ty có bước tiến thần tốc về lợi nhuận. Cổ phiếu loại này sẽ đóng vai trò đứng đầu về tăng trưởng khi thị trường lên, từ đó giúp đầu tư vào chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn.

Xuân Hòa-Vnepress