Khó phát hành cổ phiếu, doanh nghiệp mượn vốn cổ đông
Thị trường vẫn chưa mặn mà với cổ phiếu phát hành lần (IPO) đầu cũng như phát hành thêm đang khiến các công ty gặp khó khăn trong huy động vốn và họ đành cầu viện "người nhà".
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong số khoảng 30 công ty đăng ký phát hành cổ phiếu tăng vốn từ đầu năm tới nay, đã có 10 công ty chính thức xin tạm ngưng kế hoạch này.
Gần đây, Sacombank vừa xin ý kiến cổ đông về việc hủy kế hoạch gọi thêm vốn mới khoảng gần một nghìn tỷ từ cổ đông, cán bộ, và nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng này sẽ chỉ phát hành cổ phiếu từ lợi nhuận để chia cổ tức.
Tương tự như STB, kế hoạch phát hành cổ phiếu mới của một lọat doanh nghiệp như PAN, S12 (tại Hastc) hay BBC(Tại Hose) cũng bị hoãn do giá cổ phiếu giảm quá sâu so với dự tính.
Ngay cả khi công ty không xin hoãn đi nữa thì nhiều cổ đông cũng không "khoái". Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2007 và phát hành cổ phiếu bằng mệnh giá của hội đồng quản trị công ty Licogi 12 chỉ thu được 70% số phiếu trong đại hội cổ đông diễn ra vào giữa tháng 5. Tỷ lệ này là không đủ để kế hoạch được thông qua.
Thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại trong 1 tháng trở lại đây có thể là dấu hiệu tốt cho những doanh nghiệp đang đói vốn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Một nhà đầu tư nhận định kế hoạch phát hành cổ phiếu của Sacombank nếu được thực hiện tại thời điểm này sẽ hút một lượng tiền rất lớn của các nhà đầu tư. Việc này khiến cầu chứng khoán giảm, từ đó tác động không tốt tới sự hồi phục của thị trường. Theo anh việc Sacombank tạm hoãn phát hành cổ phiếu là hợp lý.
Ngân hàng Nhà nước đang giám sát chặt việc thay đổi vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại. Các phương án thay tăng vốn điều lệ được thông qua phải nêu rõ mục địch sử dụng, phương án triển khai, và đánh giá hiệu quả một cách rõ ràng.
Bộ Xây dựng cũng có văn bản yêu cầu quản chặt hoạt động phát hành chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp thuộc bộ phát hành chứng khoán phải có phương án đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả.
Thế nên các doanh nghiệp muốn tăng vốn đang bị cả cổ đông, các ban ngành quản lý, và cả Ủy ban Chứng khoán "soi" rất kỹ về kế hoạch triển khai cũng như hiệu quả của các phương án sử dụng vốn.
Nguồn vốn từ bên ngoài đang quá eo hẹp, một số công ty đang tính chuyện vay lại tiền cổ tức của cổ đông.
Vào tháng 4, công ty Thép Đình Vũ tại Hải Phòng đã thuyết phục được hội đồng cổ đông cho công ty vay lại khoảng 45% cổ tức năm 2007 bằng tiền mặt với lãi suất 1% một tháng. Sau đó, kế hoạch phát hành cổ phiếu tỷ lệ 1:1,1 của công ty không được Ủy ban Chứng khoán chấp nhận khiến công ty vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng thiếu vốn, lại vẫn nợ tiền cổ tức của cổ đông.
Trước tình hình đó, ban giám đốc lại phải kêu gọi sự ủng hộ của cổ đông. Những cổ đông nào muốn nhận lại khoản cổ tức đã cho vay, công ty sẽ trả theo cam kết. Cổ đông nào tiếp tục hỗ trợ công ty, cho vay tiếp, thì công ty sẽ trả lãi suất 1,5%/tháng, thanh toán cả lãi và gốc vào ngày 31/12/2008.
Ông Hà Huy Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xuất Nhập khẩu Xăng dầu Petrolimex (PIT), nhận xét nếu trở ngại trong huy động vốn còn kéo dài, việc lấy "tiền nhà" để nuôi các dự án có lẽ là không đủ. Lý do là nguồn cổ tức chỉ chiếm 10-20% lợi nhuận của công ty, không đủ số vốn cần thiết cho các dự án kinh doanh. Các doanh nghiệp vẫn đang chủ yếu trông cậy vào vay vốn ngân hàng để phát triến sản xuất.
Tuy nhiên, trưởng phòng môi giới một công ty chứng khoán tại Hà Nội cho rằng việc các công ty hoãn các kế hoạch huy động vốn từ bên ngoài và chuyển sang sử dụng nguồn vốn bên trong như lợi nhuận chưa phân phối, hoặc thặng dư vốn là một bước đi hợp lý. Làm như vậy vừa tăng vốn chủ sở hữu, vừa không tăng cung đột ngột cũng như hút vốn của thị trường.
Theo anh, thiếu vốn khiến các công ty khó khăn trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng cung ra thị trường ít đi giúp cho Vn-Index nói chung cũng như giá cổ phiếu của chính các công ty nói riêng đi lên một cách ổn định.
Xuân Hòa-Vnexpress
0 Responses to Khó phát hành cổ phiếu, doanh nghiệp mượn vốn cổ đông
Something to say?