Gần một tuần nay giao dịch cổ phiếu OTC sôi động hẳn lên, trong đó những công ty đại chúng có thể nằm trong danh sách niêm yết đầu tiên tại sàn của Hastc đang được đặc biệt quan tâm.

Một chuyên gia chứng khoán cho biết, cổ phiếu OTC được ưa chuộng nhất hiện nay là những cổ phiếu chuẩn bị lên sàn trong quý III hoặc những mã thuộc nhóm có thế được Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (Hastc) đưa vào danh sách 40 công ty đại chúng đầu tiên được đưa vào chợ cổ phiếu chưa niêm yết. Theo thông tin từ Hastc hiện đã có 8 ngân hàng và 3 công ty chứng khoán đăng ký tham gia giao dịch.

Các mã chưa niêm yết thuộc nhóm ngành tài chính ngân hàng như Vietcombank (VCB), Habbubank (HBB), EximBank (EIB) hay Bảo Việt đang hút khách.

Nhờ diễn biến của giá nhiên liệu và vật liệu xây dựng, cổ phiếu dầu khí và khoáng sản-vật liệu như Bảo hiểm Dầu khí(BVI), Tài chính Dầu khí (PVFC), Khoáng sản Bắc Kạn (BAMKORP), hay Vật Liệu Bưu điện (PMC) cũng khởi sắc hơn.

Theo một số trang web giao dịch OTC, tính từ 16/6 tới 4/7 các cổ phiếu có mức tăng điểm hàng đầu gồm VOSCO tăng 50% và hiện ở mức 21.000 đồng; VCB tăng 34% lên 46.000 đồng; BAMKORP tăng 33%, chốt 29.500 đồng; BVI tăng 32% có giá 22.100 đồng; PVFC tăng 22% hiện có giá 17.200 đồng.

Những cổ phiếu thuộc các nhóm còn lại như xây dựng, dược phẩm vẫn đứng ngoài xu hướng lên của các cổ phiếu OTC khi giữ giá hoặc tăng rất ít.

Trong khi đó tại thị trường niêm yết, cổ phiếu SSI, mã tăng nhanh nhất cũng chỉ lên được trên 30%. Tỷ lệ tăng của Vn-Index cũng chỉ ở mức 20% kể từ đáy cách đây hơn 10 phiên.

Khi sàn OTC được Hastc đưa vào hoạt động, giao dịch cổ phiếu OTC sẽ trở nên minh bạch và an toàn hơn. Ảnh: Hoàng Hà.
Khi sàn OTC được Hastc đưa vào hoạt động, giao dịch cổ phiếu OTC sẽ trở nên minh bạch và an toàn hơn. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo nhận định vị chuyên gia trên, chợ OTC nhộn nhịp hơn trong thời điểm này là nhờ thị trường niêm yết đang ấm dần lên. Việc cổ phiếu niêm yết thanh khoản kém do cầu quá cao khiến nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng sang những nguồn hàng khác có chất lượng tốt ngoài sàn niêm yết.

Với các nhà đầu tư ưa mạo hiểm, giao dịch cổ phiếu OTC trong giai đoạn thị trường tăng nóng sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn sàn niêm yết vì biên độ dao động cổ phiếu OTC không bị giới hạn. Về lý thuyết, cổ phiếu OTC thanh khoản kém do người bán và mua phải tự tìm đến nhau hoặc thông qua "cò", nhưng nếu cần mua bằng mọi giá, "hàng" OTC sẽ dễ mua hơn chứng khoán niêm yết do nhà đầu tư có thể đặt giá cao bao nhiêu tùy ý cho cổ phiếu mà họ cần.

Thị trường OTC tăng nhưng không phải ai cũng vui. Thời gian qua, có người nhân lúc giá giảm để bán khống cổ phiếu OTC, còn gọi là đầu tư giá xuống. Đây là cách mượn một lượng cổ phiếu của người quen để bán, sau đó mua lại cùng lượng cổ phiếu ban đầu để trả và thu lời qua chênh lệch bán cao hơn mua. Những người này đang lỗ vì giá cổ phiếu OTC tăng rất nhanh và đã cao hơn nhiều thời điểm họ mượn cổ phiếu.

Thị trường OTC nóng lên giúp các "cò" sau một thời gian nằm yên cũng bắt đầu hoạt động trở lại. Cùng với đó là các "chiêu" đưa đẩy, làm giá, loan tin. Chẳng hạn như khi muốn bán giá cao, các cò sẽ cùng các đầu mối loan tin về nhiều lệnh mua để tạo cầu giả hoặc ngược lại.

Các cò thông qua hệ thống "chân rết" tại các sàn, và web giao dịch OTC thường loan tin mua với khối lượng rất lớn khiến các nhà đầu tư "nháo nhác", nhằm kích hoặc dìm giá cổ phiếu. Đến khi nhà đầu tư muốn mua hoặc bán và liên hệ với các cò thì thường sẽ nhận được câu trả lời "hết hàng rồi" hoặc "vừa mua xong".

Thời gian tới đây, khi sàn OTC chính thức đi vào hoạt động, các nhà đầu tư nhận định chắc chắn việc giao dịch OTC thiếu minh bạch và nhiều rủi ro như hiện nay sẽ giảm rất nhiều.

Xuân Hòa-Vnexpress