Phố Wall giảm điểm nhưng nỗi lo về việc chính phủ buộc phải tiếp quản hai nhà cho vay cầm cố Fannie Mae và Freddie Mac đã dịu bớt. Thông tin này đã phần nào giúp cho chứng khoán Mỹ không bị giảm quá sâu.

Hôm qua chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,1% xuống mức 11.100,54 điểm. Chỉ số Nasdaq của các tập đoàn công nghệ hàng đầu hiện ở mức 2.239,08 điểm, giảm 0,83%. Chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) cũng lùi xuống 1,11%, đóng cửa tại 1.1239,49 điểm.

Sau tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 1,7% và đây là tuần thứ 4 liên tiếp đi xuống. Chỉ số S&P 500 mất 1,9%. chỉ số Nasdaq giảm ít nhất khi chỉ bị trừ 0,3%.

Fannie Mae và Freddie Mac cả hai đều mất tới 50% trong khoảng thời gian đầu của ngày giao dịch dịch do nỗi lo về một sự sụp đổ của cả hai tập đoàn.

Tuy nhiên, hai mã này đã hồi phục sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Henry Paulson và Thượng nghị sĩ Christopher Dodd đã có những phát biểu trấn an tâm lý của giới đầu tư. Trong đó theo ông Paulson, Chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ, một cách phù hợp với tình hình, để hai tập đoàn này ổn định lại tình hình tài chính. Còn ông Dodd nhận định hai hãng trên có đủ tiềm lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Một tin không chính thức cho biết Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED), ông Ben Bernanke đã nói rằng cả Freddie và Fannie đều có thể tận dụng cửa sổ chiết khấu để vay trực tiếp tưc FED.

FED sau đó cho biết họ đang theo dõi sát sao diễn biến của thị trường, nhưng FED khẳng định không có phát biểu nào như trên được đưa ra. Diễn biến này khiến Freddie giảm 4% và Fannie giảm 22%.

Các chuyên gia đều nhận định thị trường tài chính Mỹ đang có một viễn cảnh rất tồi tệ.

Ông Domenic DiPiero, Chủ tịch Tập đoàn Newport Capital, đánh giá thị trường chứng khoán và ngành tài chính sẽ còn chịu nhiều "đau thương" trước khi chạm đáy. Ông nói "Người tiêu dùng không thể vay tiền, thị trường lao động căng thẳng, giá nhà giảm, và chứng khoán thị đi xuống". Ông cho hay khó khăn đang đến với kinh tế Mỹ từ nhiều hướng.

Sự đi xuống của phố Wall chỉ là một trong những vấn đề mà kinh tế Mỹ đang gặp phải. Ảnh:cache.daylife.com.
Sự đi xuống của phố Wall chỉ là một trong những vấn đề mà kinh tế Mỹ đang gặp phải. Ảnh:cache.daylife.com.

Giá dầu tại Mỹ tăng 3,43 đôla và chốt tại 145,08 đôla một thùng. Vẫn là những căng thẳng từ Iran và mốt số quốc gia xuất khẩu dầu lửa khác.

Cuối tuần qua, số liệu mới công bố cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ thấp hơn dự kiến nhờ xuất khầu tăng vọt do đồng đôla yếu. Chỉ sô tâm lý người tiêu dùng cũng cao hơn dự kiến.

Tại Châu Á, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,2% vào 11/7, và 1,5% sau năm ngày giao dịch. Nguyên nhân cho sự đi xuống này là cổ phiếu của các nhà xuất khẩu mất giá cùng với những nỗi lo về sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ.

Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hong Kong tăng 1,66%, và tăng 3,55% sau một tuần. Chỉ số tổng hợp Shang Hai của Trung Quốc giảm 0,65% vào cuối tuần, và đi lên gần 7% so với cuối tuần trước.

Trong ngày cuối tuần, tại London, chỉ số FTSE 100 giảm 2,7% xuống mức thấp nhất kể từ 10/2005, mức giảm tuần là 2%. Đây là tuần thứ tám chứng khoán nước Anh đi xuống. Trong phiên thứ sáu, các cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm bị giảm mạnh nhất, các công ty khai mỏ, và dầu khí cũng mất điểm dù giá dầu trong ngày thứ sáu đi lên.

Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 3,16%. Chỉ số DAX của Đức bị trừ 2,14%. So với tuần trước, hai chỉ số này thấp hơn lần lượt là 3,8% và 1,9%.

Xuân Hòa (Theo CNN & Bloomberg)