Chứng khoán đi lên nhưng vẫn có rủi ro
Thị trường chứng khoán trải qua những phiên giao dịch như mơ. Tuy nhiên, sau những con số tăng trần cùng lượng dư mua chót vót vẫn tiềm ẩn một số rủi ro.
Chứng khoán Việt Nam hồi phục kéo theo sự tăng trần của gần như tất cả các mã chứng khoán. Từ đó, nhà đầu tư cũng trở nên ít kén chọn hơn trong lựa chọn cổ phiếu. Thậm chí có tình trạng hễ mã nào còn dư bán sẽ được mua vào, bất kể thông tin, tính thanh khoản, hay hoạt động của công ty đó có tốt hay không.
Sau khi không thể mua được các cổ phiêu tốt, nhà đầu tư "xoay" sang cả những mã nhỏ hoặc cổ phiếu có tin xấu. Ảnh: Hoàng Hà. |
Anh Quý, nhà đầu tư tại VCBS cho biết khi thị trường đi lên, anh đã nhắm đến các blue chip như SSI, VNM, hay HPG. Tuy nhiên, khớp lệnh ở những cổ phiếu này gần như không khả thi khi lượng dư mua luôn ngót nghét cả triệu đơn vị.
Thế nên, như nhiều nhà đầu tư nhỏ khác anh đành đổ tiền vào các cổ phiếu nhỏ hoặc thậm chí ngay cả những mã có kinh doanh không tốt, hoặc có tin xấu. Anh lý giải các mã này vẫn "lên khỏe" theo xu hướng của thị trường.
Chẳng hạn như các mã S99 tại Hastc hay REE, một đại gia trên Hose. Thậm chí REE trong ngày 16/6 còn báo trước thuế lỗ tới 127,48 tỷ đồng so với cùng thời điểm 2007. Thế nhưng cổ đông của các mã trên hiện vẫn đang sống trong những "ngày tươi đẹp" khi mà cổ phiếu họ nắm giữ đều đã tăng trần trên 6 phiên liên tiếp.
Một trường hợp khác, Công ty Đường Biên Hòa (BHS) thông báo cháy kho vào 2/7, con số tài sản thiệt hại lên tới cả tỷ đồng. Bên cạnh thông tin, xét tới yếu tố cơ bản lợi nhuận quý I năm nay của công ty này cũng chỉ bằng một nửa của 4 tháng đầu năm 2007. Lãi cơ bản lũy kế trên mỗi cổ phiếu hiện cũng chỉ hơn 600 đồng so với trên 1.100 đồng một cổ phiếu của năm ngoái.
Tuy nhiên, thông tin không tốt cộng với kết quả kinh doanh giảm sút chẳng khiến các cổ đông "lăn tăn" chút nào. BHS tăng trần thêm 3 phiên sau khi thông tin được công bố và hiện đã có phiên tăng thứ 8 liên tiếp.
Ông Phạm Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sao Việt, cho biết thời điểm hiện tại tình hình vĩ mô cũng như hoạt động của từng doanh nghiệp chưa có nhiều dấu hiệu tích cực. Các công ty niêm yết thậm chí còn gặp khó do chính sách tiền tệ thắt chặt. Tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II của nhiều công ty không tốt, và từ giờ đến cuối năm cũng khó có thể tăng trưởng mạnh.
Ngoài ra, giá dầu thế giới đang leo thang tạo ra áp lực lớn cho Chính phủ trong việc bình ổn giá xăng, dầu trong nước. Nếu nhiên liệu tăng giá sẽ lại tạo thêm những tác động tiêu cực tới hoạt động của nhiều công ty, và từ đó tới thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên theo ông Thắng, thị trường vẫn tăng trở lại có thể do hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, giá chứng khoán giảm sâu so với đỉnh từ 3/2007 và trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư. Thứ hai, tâm lý nhà đầu tư chứng khoán đã tốt hơn sau khi những biện pháp bình ổn kinh tế của Chính phủ cũng như việc nới biên độ để tăng tính thanh khoản của Ủy ban Chứng khoán phát huy tác dụng.
Lý giải về hiện tượng nhiều cổ phiếu có kết quả kinh doanh không tốt vẫn tăng điểm. Ông Thắng cho rằng giá cổ phiếu được quyết định không chỉ ở giá trị cơ bản mà còn ở quy luật cung cầu. Tâm lý của thị trường chung hưng phấn vẫn có thể khiến các cổ phiếu không tốt lên điểm.
Thời gian qua, nhiều công ty có thể có vấn đề trong sản xuất kinh doanh nhưng về lâu dài công ty đó vẫn có tiềm năng. Giá cổ phiếu xuống đến mức đủ hấp dẫn thì nhà đầu tư mua vào cũng là chuyện bình thường
Tuy nhiên, ngoài yếu tố cầu thực sự từ phía người mua, một số nhà đầu tư cho rằng trên các sàn đang có hiện tượng một số đối tượng cố tình đặt lệnh mua để kích cầu.
Anh Phương tại sàn BSC cho biết anh hiện đang nắm một lượng lớn blue chip. Thị trường đi lên anh rất muốn gom cổ phiếu nhưng không thể thực hiện được do cầu ở các cổ phiếu tốt quá lớn.
Có tiền nhàn rỗi nhưng anh không mua các cổ phiếu vẫn còn dư bán mà chỉ tập để trung đặt lệnh nhằm kích cầu cho cổ phiếu của mình. Anh nói: "Làm như vậy sẽ khiến cổ phiếu của anh hấp dẫn hơn, do dư mua rất "khủng", từ đó tăng trần lâu hơn". Anh cũng nhận định,
Anh Phương thường chờ dư mua lên tới hàng trăm nghìn rồi mới đẩy lệnh của mình vào hệ thống. Bằng cách này, nếu thị trường đảo chiều, lệnh của anh sẽ khớp sau lượng dư mua trước đó. Nhờ đó anh có đủ thời gian để hủy lệnh, tránh mua phải cổ phiếu trong xu hướng giảm.
Theo anh, thị trường tăng trần liên tiếp cũng có yếu tố rủi ro. Ai chơi chứng khoán cũng biết, muốn hình thành xu hướng tăng nhất định phải có giai đoạn tích lũy. Hiện tượng cổ phiếu đảo ngược 180 độ mà không qua tích lũy sẽ khó bền, thậm chí có cả nguy cơ quay đầu trở lại. Nhất là với các cổ phiếu nhỏ, thanh khoản kém, và lên điểm theo "phong trào".
Chỉ cần những mã này có dấu hiệu đảo chiều, nhà đầu tư sẽ không thể bán được. Đây là một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa blue chip và penny chip. Đó cũng là lý do khiến anh thà dùng tiền để đẩy kích blue chip còn hơn mua các mã mà anh cho là không an toàn khác.
Xuân Hòa-Vnexpress
0 Responses to Chứng khoán đi lên nhưng vẫn có rủi ro
Something to say?