Nội bộ Bông Bạch Tuyết 'đấu' nhau trước nguy cơ phá sản
Nội bộ cãi nhau căng thẳng đến nỗi, thay vì dự kiến kết thúc vào lúc 11h, đại hội đã kéo dài đến 15h cùng ngày vẫn chưa đi đến quyết định thống nhất.
Tại đại hội, Tổng giám đốc Công ty dệt may Gia Định Lê Đông Triều, đại diện sở hữu 30% vốn Nhà nước trong Bông Bạch Tuyết, không biểu quyết phương án phát hành thêm 8,16 triệu cổ phiếu BBT cho cổ đông chiến lược nhằm tăng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng.
Theo ông Triều, lý do là đại hội cổ đông năm trước công ty công bố lãi 2,2 tỷ nhưng thực chất mức lỗ hai năm 2006 và 2007 hơn 14 tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ Hội đồng quản trị, Ban giám đốc cùng Ban kiểm sát công ty chưa hoàn thành nhiệm vụ, làm mất niềm tin cho cổ đông.
Ông Triều kiến nghị thay đổi thành viên Ban quản trị, đồng thời xem xét lại thời điểm cũng như số lượng phát hành thêm cổ phiếu vì đưa ra thị trường ngay thời điểm này, cổ phiếu BBT sẽ bị pha loãng. Đồng thời cổ đông không còn tin tưởng vào bộ máy lãnh đạo hiện tại cũng như những số liệu có liên quan đến tình hình hoạt động của công ty nữa.
"Thay đổi lãnh đạo BBT là cách ứng cứu công ty hiệu quả nhất, sau đó Hội đồng quản trị có thể xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về vấn đề tăng vốn điều lệ", ông Triều nói.
Ngay lập tức, quan điểm của đại diện Dệt may Gia Định nhận được sự phản ứng dữ dội của Tổng giám đốc BBT, ông Tạ Xuân Thọ. Ông này đòi rút khỏi đại hội với lượng cổ phiếu nắm giữ lên đến hơn 700 nghìn đơn vị (chiếm hơn 10% vốn cổ phần công ty).
Ông Thọ cho rằng, hiện công ty rất cần tiền để giải quyết khó khăn hiện tại, nợ ngân hàng chưa giải quyết, thiếu vốn sản xuất, vốn lưu động. Phương án tăng vốn được cho là giải pháp khả thi để vực dậy Bông Bạch Tuyết, nhưng lại vấp phải sự kháng cự của chính thành viên lãnh đạo công ty. Theo ông, mong muốn thông qua phương án tăng vốn là nội dung chính của lãnh đạo công ty trong đại hội cổ đông lần này.
Ông Thọ cho biết, Dệt may Gia Định phải đưa ra một phương án khác có khả năng cứu Bông Bạch Tuyết thoát khỏi nguy cơ phá sản nếu không chấp nhận việc huy động vốn ngay bây giờ. Ông nói: "Hiện công ty đã tìm được đối tác chiến lược sẵn sàng đầu tư hơn 70 tỷ giúp BBT vượt qua khó khăn này. Tuy nhiên, đối tác chiến lược này chưa được công bố tại Đại hội".
Tổng giám đốc Tạ Xuân Thọ giận dữ, "suýt" bỏ đại hội ra về vì Dệt may Gia Định, đại diện 30% vốn Nhà nước không biểu quyết phương án tăng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng. Ảnh: Đ.V. |
Thành viên Hội đồng quản trị, ông Lê Văn Minh có ý kiến, đã có cổ đông chiến lược chịu đầu tư giúp BBT hồi phục, nhưng Dệt may Gia Định lại không nhận sự giúp đỡ này, mà muốn lùi thời gian huy động. Như vậy, cơ hội làm ăn với đối tác chiến lược sẽ mất đi. Nguy cơ phá sản BBT cận kề.
Theo quy định, 75% đại diện cổ đông tại đại hội biểu quyết chấp nhận thì tờ trình mới được thông qua. Tuy nhiên, riêng đại diện phần vốn Nhà nước là Dệt may Gia Định đã chiếm 30%, dù tất cả cổ đông đồng ý phương án phát hành cũng không đủ số phiếu như đã quy định. Nhiều phương án đã được đưa ra, và cuối cùng đại hội đã đi đến thống nhất, chưa thông qua tờ trình tăng vốn. Ý kiến của ông Triều được ghi nhận là "do cổ đông Nhà nước không đồng ý tăng vốn điều lệ. Như vậy, số lượng cũng như thời điểm phát hành sẽ làm rõ ở thời điểm thích hợp và sẽ xin ý kiến cổ đông bằng văn bản sau, chứ không triệu tập đại hội nữa".
Trong khi đó, nhà đầu tư hết sức lo lắng. Tỷ lệ cổ đông tham dự đại hội hôm nay là 66,78%. Các nhà đầu tư như "ngồi trên đống lửa" khi cổ phiếu tạm thời ngưng giao dịch, công ty thiếu vốn trầm trọng. Điều họ quan tâm là làm sao để giúp công ty vượt qua khó khăn này. Thế nhưng, hôm nay khi chứng kiến cảnh thành viên lãnh đạo công ty đấu lý to tiếng, quyết liệt với nhau, mà không có chung tiếng nói, hợp lực nhau vượt qua khó khăn này, khiến nhiều người tham gia đại hội bất mãn.
Cổ đông Vũ Văn Thành bày tỏ, liệu nhà đầu tư có yên tâm khi Ban lãnh đạo điều hành công ty mâu thuẫn, "đấu đá" nhau, điều hành công ty kém. Nếu tiếp tục tăng vốn thì vấn đề quản lý, quản trị doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa để có được lợi nhuận trong 6 tháng còn lại của năm 2008.
Sau 2 năm liên tiếp bị lỗ, nhiều nhà đầu tư nghi ngờ kết quả kinh doanh năm 2008 của Bông Bạch Tuyết khi điều kiện sản xuất kinh doanh năm nay còn khó khăn hơn nhiều. Ngoài ra, cổ đông cũng có ý kiến, Ủy ban chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán cần giám sát hội đồng quản trị công ty này khi những thành viên không có tiếng nói chung.
Cổ đông cũng yêu cầu Sở giao dịch chứng khoán lựa chọn công ty kiểm toán cho BBT, thay cho Công ty kiểm toán và dịch vụ tin học TP HCM AISC đang được Bông Bạch Tuyết hợp tác đã kết luận trong báo cáo tài chính chuyển từ lỗ thành lãi, tiếp tay "che mắt" cổ đông.
Phó giám đốc Phòng niêm yết của Sở Giao dịch chứng khoán, bà Phan Vũ Trầm Hương có mặt tại đại hội cổ đông hôm nay cho biết, sẽ có văn bản trình Sở cũng như Ủy ban chứng khoán về kết quả họp của Bông Bạch Tuyết. Kết quả này sẽ ảnh hưởng đến thời gian giao dịch trở lại của cổ phiếu BBT. Sở sẽ làm việc lại với công ty kiểm toán AISC cũng như đại diện BBT trước khi có quyết định chính thức về ngày giao dịch trở lại của cổ phiếu này. Bà Hương cũng nhận định, "chưa thấy đại hội nào lộn xộn như Bông Bạch Tuyết".
Theo Phó tổng Giám đốc Bông Bạch Tuyết Phạm Thị Tâm Anh, hiện việc sản xuất mặt hàng băng vệ sinh tại nhà máy công ty đã tạm ngưng, chờ nguồn vốn bổ sung để hoạt động tiếp. Mặt hàng này lỗ hơn 50% trong tổng danh mục đầu tư của BBT năm 2006, 2007.
Ngày 11/7, cổ phiếu BBT bị tạm ngừng giao dịch, thời gian giao dịch trở lại vẫn chưa được công bố. Chỉ còn không đầy 6 tháng nữa, năm tài chính 2008 sẽ kết thúc, liệu Bông Bạch Tuyết có những quyết sách đúng đắn để thoát khỏi bờ vực phá sản, trở thành nỗi trăn trở của nhiều cổ đông.
Bạch Hường-Vnexpress
0 Responses to Nội bộ Bông Bạch Tuyết 'đấu' nhau trước nguy cơ phá sản
Something to say?