Từ đầu giờ giao dịch, lợi nhuận sụt giảm của một loạt các tập đoàn hàng không và tài chính khiến chứng khoán Mỹ giảm mạnh. Tuy nhiên, giá dầu xuống đã giúp phố Wall gỡ lại số điểm trừ trước đó và đóng cửa cao hơn mức tham chiếu.

Kết thúc ngày 22/7, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,18% lên mức 11.602,5 điểm. Chỉ số Nasdaq cộng thêm 1,07%, đóng cửa tại 2.303,96 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến lên 1,35%, chốt tại 1.277 điểm.

Ngay sau khi thị trường mở cửa, chứng khoán Mỹ đã lập tức mất điểm. Đây được coi như phản ứng của thị trường trước kết quả kinh doanh nghèo nàn của Washington Mutual, Wachovia, USAirways, United Airlines và hãng chuyển phát UPS.

Washington Mutual thông báo lỗ 3,3 tỷ đôla trong quý II/2008. Wachovia cũng mất tới gần 9 tỷ đôla trong quý vừa qua do các vấn đề về cầm cố và tín dụng. Thiệt hại của hai tập đoàn tài chính này tệ hơn rất nhiều so với dự tính của các chuyên gia tại phố Wall.

Chứng khoán Mỹ tăng trở lại ngay sau khi mất điểm vào hôm qua.
Ảnh: bloomberg.com.

US Airways tuy không đạt được mục tiêu do công ty đề ra nhưng kết quả kinh doanh lỗ 101 triệu đôla, tương đương giảm 1,11 đôla trên một cổ phiếu, khả quan hơn dự tính của giới phân tích. Nhờ đó cổ phiếu của US Airways tăng tới 59% sau ngày giao dịch.

UPS, nhà chuyển phát lớn nhất thế giới, cho biết dù doanh số tăng 6,7% nhưng lợi nhuận của hãng này vẫn hạ xuống gần 21%.

Tuy nhiên, tình hình bắt đầu chuyển biến tích cực hơn khi giá dầu đi xuống cùng với đó là những bình luận có lợi từ các quan chức cấp cao.

Trong ngày hôm qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Henry Paulson đã thúc giục Quốc hội thông qua đạo luật để hỗ trợ hai tập đoàn khổng lồ trong lĩnh vực cho vay cầm cố là Fannie Mae và Freddie Mac.

Ông Pauldson cho rằng, điểm mấu chốt là các công ty này phải được tạo điều kiện để tiếp cận với nguồn vốn cần thiết nhằm tiếp tục vận hành và khôi phục lại sự tin tưởng của công chúng.

Ngoài ra, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) chi nhánh Philadenphia, ông Charles Plosser cho biết FED có thể sẽ phải nâng lãi suất sớm hơn dự định để ngăn chặn lạm phát.

Theo một nhà phân tích, phố Wall muốn FED phải hành động để đối phó với lạm phát và lấy lại sức mạnh cho đồng đôla. Do đó những bình luận của ông Plosser vừa qua là tích cực với diễn biến của thị trường.

Dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 5/6. Lý do cho diễn biến này là việc nhu cầu tại Mỹ có dấu hiệu giảm, và nỗi lo cơn bão tại vịnh Mexico sẽ ảnh hưởng tới việc khai thác dầu đã dịu đi. Giá dầu đã có những thời điểm giảm hơn 5 đôla. Sau ngày hôm qua, giá dầu ngừng giao dịch ở mức 127,95 đôla một thùng, giảm 3,09 đôla.

Ông Art Hogan, Nhà chiến lược thị trường tại Jefferies & Co cho biết: "Sự thụt lùi của giá nhiên liệu là có lợi cho người tiêu dùng, các công ty, và cả nền kinh tế vĩ mô".

Tại châu Á, chứng khoán Nhật sau một ngày nghỉ giao dịch đã tăng mạnh với mức tăng 2,98% của chỉ số Nikkei 225. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hong Kong không thay đổi nhiều khi chỉ giảm 0,02%. Chỉ số tổng hợp Shang Hai của chứng khoán Trung Quốc mất 0,53% sau ngày hôm qua.

Chứng khoán châu Âu cũng có một ngày giao dịch với không nhiều biến động. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,74% sau khi Vodafone, nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu, cho biết doanh thu năm nay sẽ không mấy khả quan. Chỉ số DAX của Đức tăng 0,28%. Chỉ số CAC 40 của Pháp không đổi sau khi ngày giao dịch kết thúc.

Xuân Hòa (Theo CNN)