Mức giảm xấp xỉ 20% của chỉ số Dow Jones so với đỉnh thị trường từ tháng 9/2007 báo hiệu thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới chính thức hình thành xu hường giảm. Viễn cảnh u ám của phố Wall đang được tạo nên bởi giá dầu tăng vọt và những khoản lỗ khổng lồ đến từ các tập đoàn tài chính.
Thứ sáu, 27/6 phố Wall khép lại một tuần giao dịch bằng một phiên đi xuống. Chỉ số công nghiệp Dow Jones kết thúc ngày ở mức 11.346,51 điểm, mất 0,93%. Chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) hiện ở mức 1.278,38 điểm, suy giảm 0,46%. Tương tự như hai chỉ số trên, chỉ số Nasdaq cũng bị trừ 0,37 %, chốt tại 2.315,63 điểm.
Như vậy, tuần qua ghi nhận mức giảm mạnh ở tất cả các chỉ số chính. Chỉ số Dow Jones có mức giảm tuần là 4,19%. Số phần trăm bị trừ đi sau tuần qua trên hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt là 3% và 3,16%.
Giá trị hiện tại của chỉ số Dow Jones là thấp nhất trong vòng 21 tháng gần đây. Mức thoái lui của chỉ số này so với đỉnh được xác lập vào tháng 9/2007 là khoảng 20%, ngưỡng được các nhà phân tích kỹ thuật coi là chỉ báo thị trường đi xuống. Theo nhận định của các chuyên gia, phố Wall vừa trải qua giai đoạn tồi tệ nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng.
Phố Wall về mặt kỹ thuật đã chính thức xác lập xu hướng giảm. Ảnh: bigpicture.typepad.com |
Trong phiên cuối tuần, phố Wall tiếp tục khổ sở với giá nhiên liêu và thông tin từ các ngân hàng.
Tập đoàn đánh giá tín dụng Moody đã hạ điểm đánh giá nợ dài hạn của Tập đoàn Tài chính Morgan Stanley. Tập đoàn Merrill Lynch vừa cho biết có thể lỗ tới 5,4 tỷ đôla trong quý II/2008. Ngay khi vừa có những thông tin trên cổ phiếu của tập đoàn này giảm 1%.
Tệ hại hơn nữa, các đơn vị bảo hiểm của Ngân hàng đầu tư AIG sẽ lỗ 5 tỷ đôla trong quý này. Kết hợp với những báo cáo từ đầu năm, tổng mức lỗ của tập đoàn này "được" nâng lên con số 13 tỷ. Cổ phiếu AIG giảm hơn 2%.
Dầu thô có thời điểm "nhảy" thêm gần 3 đôla, lên mức kỷ lục 142,99 đôla một thùng, trước khi chốt tại 140,21 đôla.
Ông Charles Smith, Giám đốc Đầu tư tại Tập đoàn Fort Pitt Capital, cho hay, giá dầu, hơn tất cả các yếu tố vĩ mô khác, chính là nguyên nhân chủ yếu đẩy thị trường cổ phiếu Mỹ xuống thấp hơn.
Theo ông giá nhiên liệu đi lên kéo theo rất nhiều mối lo cho kinh tế Mỹ về lạm phát, giá cả sinh hoạt và nhiều vấn đề khác.
Những nỗi lo của kinh tế Mỹ tạm lắng dịu khi bản thống kê về thu nhập của người dân nước này trong tháng năm tăng 1,9%, cao hơn dự kiến. Tuy nhiên nhiều chuyên gia không mấy hào hứng trước thông tin trên và cho rằng đó chỉ là hiệu quả ngắn hạn của những biện pháp kích thích kinh tế từ Chính phủ, chứ không đến từ tình hình nội tại của người tiêu dùng.
Ông James King, Giám đốc Đầu tư tại National Penn Investors Trust, cho biết thị trường đang ở trong giai đoạn cực kỳ nhạy cảm với thông tin. Bất kỳ thông tin xấu nào cũng được phản ảnh vào giá cổ phiếu. Tuy nhiên, trước sự sụt giảm mạnh của các chỉ số chính trong thời gian qua, ông nhận chứng khoán Mỹ có lẽ đã ở khá gần đáy.
Nhìn lại tuần qua, điểm sáng hiếm hoi của phố Wall là việc lãi suất vẫn được duy trì ở mức 2% sau cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào thứ tư. Theo nhận định của một số chuyên gia, FED có lẽ sẽ chưa nâng lãi suất ít nhất cho đến cuộc họp tiếp theo vào tháng 8/2008. FED nhận định nền kinh tế Mỹ gần đây có dấu hiệu hồi phục nhưng áp lực lạm phát còn khá cao.
Tuần tới, giới đầu tư sẽ có thêm báo cáo về tình hình sản xuất, xây dứng, và thị trường lao động.
Với chứng khoán châu Á, tiếp tục lại thêm một tuần sắc đỏ chiếm đa số. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật kết giảm 2,01% sau thứ sáu, âm 2,85% so với cuối tuần trước. Trong một thông báo mới đây, lạm phát trong tháng năm tại quốc gia này đang ở mức cao nhất trong một thập kỷ qua. Tình trạng thất nghiệp gia tăng, người dân cắt giảm chi tiêu cũng góp thêm phần ảm đạm cho cổ phiếu tại quốc gia này.
Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng đi xuống 1,83% sau ngày hôm qua và mất 3,09% sau năm ngày giao dịch.
Giống như hai thị trường Nhật và Hong Kong, xu hướng tuần của chứng khoán Trung Quốc cũng là xu hướng giảm. Chỉ số Shang Hai của thị trường này lùi lại 5,29% vào thời điểm phiên thứ sáu kết thúc. Sau năm phiên giao dịch gần đây chỉ số Shang Hai bị trừ 2,94%.
Hòa chung cùng xu hướng đi xuống của chứng khoán thế giới, thị trường chứng khoán châu Âu chứng kiến các chỉ số chính mất điểm hàng loạt trong những ngày qua. Nguyên nhân của tình trạng trên vẫn là sự lo ngại về một cuộc khủng hoảng của thị trường tài chính, chứng khoán đến từ bên kia bờ đại tây dương. Cùng với đó là áp lực của giá năng lượng.
Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa thấp hơn tuần trước 1,6%, sau khi tăng 0,21% vào phiên thứ sáu. Hai chỉ số lớn còn lại là CAC 40 của Pháp và DAX của Đức sụt giảm lần lượt 0,65% và 0,58%. Tổng kết tuần, chỉ số CAC 40 bị hạ xuống 2,48 %, con số này với DAX là 2,4 %.
Xuân Hòa (Theo CNN&Reuters)
0 Responses to Phố Wall hình thành xu hướng giảm
Something to say?