Phố Wall đi lên bất chấp những thông tin tồi tệ từ cổ phiếu của các tập đoàn sản xuất ôtô. Tuy nhiên, giới chứng khoán cho rằng đây chỉ là phản ứng nhất thời của các nhà đầu tư sau những phiên giảm mạnh.

Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trở lại sau những phiên giảm điểm nặng nề những ngày qua. Kể từ đỉnh được xác lập vào 9/2007, thị trường đã giảm gần 20%, mốc kỹ thuật báo hiệu xu hướng xuống. Ngưỡng này với chỉ số Dow Jones là trên 11.300 điểm và 2.250 với chỉ số Nasdaq.

Trong phiên giao dịch hôm qua, ngay khi vừa chớm chạm ngưỡng điểm báo hiệu xu hướng xuống, chỉ số Dow Jones và Nasdaq đã cùng tăng lần lượt 0,28% và 0,52%, chốt tại các mức 11.382,26 điểm và 2.304,97 điểm.

Chỉ số Standard & Poor 500 đi lên 0,38% và đóng cửa tại 1.284,91 điểm.

Việc phố Wall hồi phục được nhìn nhận như phản ứng của các nhà đầu tư trước những phiên giảm mạnh liên tiếp trong tháng sáu, cho dù hôm qua có nhiều thông tin xấu từ các nhà sản xuất ôtô. Hôm qua 1/7, General Motor (GM), nhà sản xuất xe hơi hàng đầu nước Mỹ, cho biết doanh số tháng 6 giảm tới 18% tại thị trường trong nước, nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với con số ước tính 25% được đưa ra bởi các nhà phân tích.

Ông John Wilson, Chuyên gia Kinh tế tại Morgan Keegan, cho biết thông báo từ GM là đáng ngạc nhiên, vì các chuyên gia đều đang chờ đợi những con số tồi tệ hơn nhiều.

Không may mắn như GM, một nhà sản xuất ôtô khác, Ford Motor, cho hay doanh số tháng vừa qua của hãng này "rơi tự do" tới 28,1% do giá dầu tăng mạnh, lạm phát, cùng với sự đi xuống về tâm lý của người tiêu dùng.

Chứng khoán ngân hàng có sáng sủa đôi chút trong ngày thứ ba. American Express tăng sau khi tổ chức đánh giá tín dụng UBS nâng đánh giá cổ phiếu của hãng này từ mức "nên bán" ra lên mức "trung tính". Lehman Brother, Ngân hàng hàng đầu nước Mỹ, cũng tăng điểm sau khi có tin đồn rằng ngân hàng này có thể sẽ giảm phí nhằm tăng doanh số trong thời gian tới.

Dầu leo thang gây khó khăn cho các ngành sản xuất, tài chính, và cả đời sống của người dân tại Mỹ. Ảnh: philippetastet.com.
Dầu leo thang gây khó khăn cho cả nền kinh tế cũng như đời sống của người dân tại Mỹ. Ảnh: philippetastet.com.

Giá dầu giữ khá chắc chắn tại ngưỡng trên 140 đôla một thùng đi kèm với ngành tài chính ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề đang vẽ ra một tương lai không mấy tươi sáng cho phố Wall. Các chuyên gia nhận định, sẽ rất khó để thị trường Mỹ đảo chiều, ít nhất là cho đến hết mùa hè này.

Trong ngày thứ năm tới, những sự kiện nổi bật gồm có việc liệu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có quyết đinh nâng lãi suấ hay không và thông tin về tình hình nhân công trong tháng sáu. Theo nhận định của các chuyên gia, ECB sẽ nâng lãi suất. Bên cạnh đó, ước tính con số nhân công bị mất việc trong tháng 6 là khoảng 60.000.

Ông Donal Selkin, Nhà Chiến lược Thị trường tại National Securities, bình luận nếu tất cả những dự đoán trên là chính xác, đó sẽ lại là một "cú đánh" nữa vào phố Wall. Ngược lại, ECB "án binh bất động" sẽ là một tin tốt cho đồng đôla, từ đó giá dầu có thể giảm xuống mang lại hy vọng cho chứng khoán Mỹ.

Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm 0,13%. Nguyên nhân là do đồng yên tăng giá khiến các nhà xuất khẩu tại quốc gia này gặp khó khăn. Ngoài ra lạm phát vẫn ở mức cao cũng khiến chứng khoán Nhật đi xuống trong thời gian qua và hiện đang ở mức thấp nhất kể từ 9/2004.

Thị trường Trung Quốc cũng bị kéo xuống thấp nhất trong 16 tháng gần đây sau khi chỉ số tổng hợp Shang Hai giảm 3,09% vào phiên thứ ba. Cùng ngày, thị trường Hong Kong ngừng giao dịch để nghỉ lễ.

Chứng khoán châu Âu đi xuống đồng loạt với số điểm trừ 2,06% ở chỉ số FTSE 100 của Anh, 1,06% ở DAX của thị trường Đức, và 2,11% trên chỉ số CAC 40 tại Pháp. Nguyên nhân của hiện tượng trên là thông tin xấu từ Mỹ, cùng với việc cổ phiếu Ngân hàng tại châu lục này tiếp tục mất điểm.

Xuân Hòa (Theo CNN)