Giá dầu giảm không đủ để giới chứng khoán Mỹ tránh khỏi một phiên ảm đạm do cổ phiếu tài chính đi xuống. Bên cạnh đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, ông Ben Bernanke công khai thừa nhận những khó khăn mà kinh tế Mỹ đang phải đối mặt cũng khiến nhà đầu tư tại phố Wall bi quan.

Hôm qua 15/7, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 0,84% và đóng cửa tại 10.962,54 điểm mức thấp nhất kể từ ngày 21/7/2007. Chỉ số Standard & Poor 500 của các doanh nghiệp vừa và nhỏ mất 1,1%, hiện ở mức 1.214,91 điểm, giá trị thấp nhất kể từ ngày 2/11/2005. Phố Wall được an ủi đôi chút khi chỉ số Nasdaq tăng 0,1%.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh ngay từ đầu giờ giao dịch do tâm lý bi quan của nhà đầu tư về khủng hoảng tín dụng vốn đeo đẳng quốc gia này trong trong gần 1 năm qua. Những phút tiếp theo thị trường Mỹ có khá nhiều biến động. Đầu tiên là tăng do giá dầu giảm rồi lại đi xuống sau phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED), ông Ben Bernanke về tình hình kinh tế.

Ngành ngân hàng tại Mỹ có thể cần từ vài tháng thậm chí vài năm để ổn đinh trở lại sau khủng hoảng. Ảnh:cache.daylife.com.
Phố Wall vẫn đang sống trong những ngày u ám do những vấn đề liên quan tới cổ phiếu tài chính, ngân hàng. Ảnh:cache.daylife.com.

Giá cổ phiếu tài chính và xăng dầu tiếp tục nắm vai trò dẫn dắt thị trường đi xuống. Ông Steven Goldman, nhà chiến lược thị trường tại Weeden & co, cho biết, để ổn định và giúp chứng khoán Mỹ đi lên, điều đầu tiên cần làm là lấy lại thăng bằng thị trường tài chính.

Theo ông Goldman, cổ phiếu tài chính đang bị bán quá mức, và đã giảm tới 50% kể từ giữa tháng 5 tới nay. Ông nhận định, quá trình hồi phục của các ngân hàng có thể kéo dài nhiều tháng thậm chí nhiều năm. Sau giai đoạn này, các nhà đầu tư mới có thể hy vọng vào sự đi lên mạnh mẽ của cổ phiếu tài chính.

Chủ tịch FED cho biết kinh tế Mỹ đang hứng chịu vô số khó khăn từ khủng hoảng tín dụng, nhà đất, tài chính, sự suy yếu của đồng đôla và giá dầu đi lên. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Henry Poulson cũng hé lộ kế hoạch "chống đỡ" cho Fannie Mae và Freddie Mac.

Tuy nhiên sau ngày hôm qua,Fannie Mae và Freddie Mac vẫn giảm rất mạnh. Fannie mất 27% còn Freddie mất 26%. Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng đi xuống do nỗi lo sẽ trở thành các IndyMac tiếp theo.

Nhóm ngành công nghệ tăng nhẹ nhờ vào Intel và Microsoft đi lên. Hai công ty này được dự đoán trong những ngày trước đó là sẽ có kết quả kinh doanh tốt. Intel sáng nay thông báo doanh số và lợi nhuận đều tốt hơn dự kiến. Trong khi đó Microsoft sẽ đưa ra số liệu kinh doanh vào chiều ngày mai.

Nhà sản xuất xe hơi,General Motor, sẽ phải giảm lượng, hoãn trả cổ tức, và bán lượng tài sản có giá trị từ 4 đến 7 tỷ đôla để đảm bảo cho công ty hoạt động bình thường trong thời gian tới.

Thứ năm mang lại cho chứng khoán Mỹ nhiều thông tin mới. Trong đó, quan trọng nhất là thông tin về chỉ số giá cả hàng tiêu dùng (CPI), số liệu về sản lượng công nghiệp. Cuộc họp của FED vào chiều mai cũng được cho là sẽ có tác động nhất định đến phố Wall.

Bên cạnh đó Delta Air Lines và Wells Fargo sẽ công bố lợi nhuận vào ngày mai.

Giá dầu trong ngày hôm qua mất tới 6,44 đôla, mức giảm mạnh nhất từ trước tới nay tính theo đôla. Loại nhiên liệu này hiện được giao dịch ở mức 138,74 đôla một thùng.

Chịu tác động từ chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Á và châu Âu đều đi xuống.

Tại Nhật, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,96%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong mất 3,81%. Chỉ số Shang Hai của Trung Quốc hiện thấp hơn phiên trước 3,43%.

Chuyển sang thị trường châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 2,42%. Chứng khoán Đức chứng kiến chỉ số DAX lùi lại 1,61%. Chỉ số CAC 40 của Pháp mất 1,37%.

Xuân Hòa (Theo CNN)